Ngay cả khi Hải Phòng lập kỷ lục mới với 8 trận bất bại hồi đầu mùa, người ta vẫn chưa dám nghĩ rằng đội bóng đất Cảng sẽ quyết tâm vô địch. Chỉ đến khi Hải Phòng thắng Thanh Hoá ngay tại xứ Thanh, cái nhìn về đội này mới thực sự khác đi.

 


Đấy là lợi thế rõ ràng về mặt điểm số, với khoảng cách 9 điểm so với đối thủ gần nhất là 2 đội B.Bình Dương và Thanh Hoá, Hải Phòng đang nắm trong tay sự chủ động trên đường đua đến ngôi đầu từ nay đến cuối giải. Đấy còn là lợi thế về mặt sự cạnh tranh, khi nhiều đội bóng mạnh của V-League giờ đã yếu đi.

Sự xuất hiện của đội bóng đất Cảng trên đường đua cho đến lúc này cũng giúp cho Thanh Hoá nghiêm túc hơn với chính họ. Rằng đội bóng xứ Thanh chưa đủ sức muốn thắng ai thì thắng như họ kỳ vọng, và như một đội bóng hướng đến ngôi vô địch cần phải có.

Thật ra Thanh Hoá không chỉ thua kém Hải Phòng ở thời điểm thua chính đội bóng đất Cảng trong trận đối đầu trực tiếp của cả hai, mà còn thua ở chỗ thường xuyên mất điểm trước các đối thủ yếu hơn, như trước Quảng Nam, trước Cần Thơ hay trước Sài Gòn FC.

Lối thoát nào cho Đồng Tháp?

Ngược xuống nhóm dưới, lượt đi chưa kết thúc, nhưng người ta cũng đã sớm chỉ ra gương mặt đáng gọi là ứng cử viên rớt hạng duy nhất trong mùa giải năm nay, đó là Đồng Tháp.

Trong 4 trận cầm quân của HLV Trần Công Minh kể từ thời điểm ông thay người đồng nghiệp Phạm Công Lộc nắm đội Đồng Tháp từ vòng 8, đội bóng miền Tây Nam bộ thua cả 4 trận.

Không phải ông Trần Công Minh hay ông Phạm Công Lộc ai phù hợp hay không phù hợp trong việc dẫn dắt Đồng Tháp, chỉ đơn giản ở chỗ lực lượng của đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long quá yếu.

Vả lại, tình cảnh “thân cô thế cô” của Đồng Tháp lúc này càng gây khó cho họ. Một khi đã bị điểm mặt là ứng cử viên hàng đầu cho suất xuống hạng, thì các đội khác luôn hướng đến Đồng Tháp như kiểu “ngân hàng điểm”, với tâm lý có thể thua ai thì thua, nhưng dứt khoát không được thua đối thủ cạnh tranh trực tiếp suất trụ lại V-League.

Xếp ngay trên Đồng Tháp, buồn thay lại là 2 đội bóng từng làm mưa làm gió tại V-League ngày nào, đó là HA Gia Lai (đứng 12) và Long An (đứng 13). Thật ra thì sự sa sút của 2 đội bóng vừa nêu cũng đã được dự đoán cách nay cả chục năm, thời bầu Đức và bầu Thắng bắt đầu đầu tư vào HA Gia Lai và ĐT Long An.

Hồi đấy, người ta đã chỉ ra lỗ hổng trong hệ thống đào tạo trẻ của các đội bóng này. Và cho đến giờ khâu đào tạo trẻ của Long An vẫn cực kỳ mờ nhạt, trong khi HA Gia Lai khá hơn đôi chút, có 1 – 2 lứa trẻ nổi tiếng, nhưng sự nổi tiếng đấy chưa chắc tương xứng với tài năng.

Để giờ, khi tiềm lực tài chính không còn như xưa, khi không còn là điểm đến hấp dẫn với các ngôi sao tứ xứ, chính HA Gia Lai và Long An giờ phải gánh hậu quả của việc thiếu quan tâm đến lực lượng kế cận của chính họ từ nhiều năm trước.
 

Theo Dân trí

.