leftcenterrightdel
 Vận động viên Nguyễn Thị Oanh (số đeo 561). Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Điền kinh Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu giành đủ bộ huy chương Vàng - Bạc - Đồng ở kỳ ASIAD 2034, có 2 - 3 vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic... Đây là một nhiệm vụ khó, cần có sự đầu tư mang tính bài bản, lâu dài để có thể hoàn thành trong tương lai gần.

Vị thế quan trọng trong nền thể thao nước nhà

Môn điền kinh có một vị thế rất quan trọng trong phong trào thể thao quần chúng, giúp người dân luyện tập nâng cao sức khỏe. Điền kinh được quảng đại quần chúng nhân dân tham gia tập luyện (từ học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và công nhân lao động…) vì những nội dung, động tác, kỹ thuật của nó gần giống với hoạt động tự nhiên của con người. Điền kinh được giới chuyên môn mệnh danh là "môn thể thao Nữ hoàng", với hơn 45 nội dung thi đấu trong các hệ thống thi đấu quốc tế từ Olympic, ASIAD đến SEA Games và nhiều giải đấu cấp thế giới, châu lục đến khu vực khác.

Từ sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, thể thao Việt Nam từng bước hội nhập và tham dự đầy đủ các Đại hội Thể dục thể thao từ Đông Nam Á, châu Á và thế giới, môn điền kinh luôn được chọn thi đấu trong các đại hội này. Từ những ngày đầu tham dự với tư thế học hỏi, điền kinh Việt Nam luôn phấn đấu không ngừng, từ năm 2003 đến nay luôn đứng trong Top 3 nước mạnh nhất Đông Nam Á. Đỉnh cao thành tích của điền kinh Việt Nam là 3 lần đứng nhất SEA Games các năm 2017, 2019, 2021 và giành 3 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng tại ASIAD 16 (năm 2010); 2 huy chương Bạc ở ASIAD 17 (năm 2014); 2 huy chương Vàng, 3 huy chương Đồng tại ASIAD 18 (năm 2018).

Việt Nam hiện có 25 sân điền kinh hiện đại, trải nhựa tổng hợp nhưng chỉ có 2 sân đủ tiêu chuẩn do Liên đoàn Điền kinh quốc tế công nhận đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải quốc tế là sân Mỹ Đình tại Hà Nội và sân Thống Nhất tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, khoảng 600 sân bãi điền kinh thô sơ trên cả nước, góp phần vào việc phát triển phong trào, phát hiện năng khiếu và huấn luyện ban đầu cho vận động viên năng khiếu, trẻ, đội tuyển các tỉnh, thành phố…

Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Đông Nam Á, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Việc giải bài toán thành tích tại đấu trường ASIAD là điều cần thiết của điền kinh Việt Nam. Đây là môn quan trọng, được quan tâm đầu tư ở các quốc gia có nền thể thao mạnh, do vậy điền kinh Việt Nam sẽ phải thay đổi mạnh mẽ. Trải qua các năm 2023, 2024, nhiều gương mặt vận động viên đỉnh cao của Đội tuyển quốc gia đã chững lại về chuyên môn, do vậy chúng ta không đạt được thành tích tốt như kỳ vọng.

“Điền kinh Việt Nam vẫn đang đứng đầu Đông Nam Á, và đạt thành tích ở đấu trường châu Á. Ngoài các nước mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, một số nước Tây Á, Trung Đông…, nếu được đầu tư bài bản, thích đáng, chúng ta có thể đứng vào top 10 - 15 châu Á trong 10 năm nữa”, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Giải bài toán thành tích trong tương lai

2025 là năm bản lề để thể thao Việt Nam chuẩn bị cho nhiều mục tiêu dài hơi, trong đó có bộ môn điền kinh. Nhiều ý kiến cho rằng, điền kinh Việt Nam phải giành thành tích tốt ở SEA Games 33 để tìm lại vị thế trong khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng của điền kinh Việt Nam là phải giành được kết quả cụ thể tại đấu trường châu Á và quốc tế, thay vì mãi “loanh quanh” trong Đông Nam Á. Tại ASIAD 19 (năm 2023), điền kinh Việt Nam không giành được huy chương dù ở kỳ ASIAD 18 (năm 2018) trước đó, chúng ta đã giành 2 huy chương Vàng, 3 huy chương Đồng.

Chia sẻ về giải pháp giúp điền kinh Việt Nam phát triển trong tương lai, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Quốc Vinh cho biết: Cục sẽ phối hợp với Liên đoàn nghiên cứu đầu tư trọng điểm cho điền kinh để có thành tích đột phá tại đấu trường châu lục cũng như Olympic. Cục chủ trương thuê huấn luyện viên ngoại về đào tạo cho các nhóm vận động viên trọng điểm. Các tổ, nhóm vận động viên theo từng nội dung sẽ được tập hợp và đào tạo mang tính hệ thống, lựa chọn từ tuyến vận động viên trẻ đi lên…, với hy vọng sẽ cải thiện thành tích trong thời gian sắp tới.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho biết, thời gian qua, chất lượng của môn điền kinh ngày càng được khẳng định. Thành tích thi đấu của vận động viên điền kinh tại các giải đấu cấp khu vực, châu lục có nhiều tiến bộ (lần đầu tiên có vận động viên giành huy chương Vàng tại ASIAD; giữ vững vị trí top đầu trong khu vực Đông Nam Á). Đặc biệt, có những thành tích đã tạo được sức ảnh hưởng xã hội sâu sắc, lan tỏa niềm tự hào dân tộc và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ như thành tích của vận động viên Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia năm 2023.

Tuy nhiên, điền kinh Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo đội ngũ vận động viên trẻ, tạo nguồn kế cận dồi dào cho các Đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho các Đại hội Thể thao khu vực, châu lục và thế giới; chuẩn bị kỹ lực lượng vận động viên tham dự SEA Games, ASIAD và các Đại hội thể thao quốc tế của khu vực, châu lục, nhất là SEA Games 33 tại Thái Lan (năm 2025) và ASIAD 2026 tại Nhật Bản.

Theo baotintuc.vn