Chuyện về Hồng Lợi - vận động viên bơi lội một tay giàu nghị lực
Cập nhật lúc 15:18, Thứ năm, 19/04/2018 (GMT+7)
Bị khuyết tật bẩm sinh ở hai chân và tay phải nhưng Nguyễn Hồng Lợi đã nỗ lực hết mình để trở thành vận động viên bơi lội quốc gia, một họa sỹ vẽ họa tiết áo dài và còn là một diễn viên điện ảnh.
|
|
Mặc dù chỉ có một tay nhưng Nguyễn Hồng Lợi luôn tự lập trong cuộc sống. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN) |
Hồng Lợi sinh năm 1987 trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn tại xóm lao động nghèo ven sông Sài Gòn ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm lên bốn tuổi, vì hoàn cảnh khó khăn, Lợi được gia đình đưa vào làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật thuộc Bệnh viện Từ Dũ. Từ khi vào làng Hòa Bình, vốn có ý thức tự lập từ nhỏ nên dù chỉ với một tay trái lành lặn, Lợi tự làm mọi việc và giúp bảo mẫu chăm sóc các em nhỏ trong làng.
Cơ duyên đến với môn bơi lội bắt đầu từ mùa Hè năm 2005, khi đó Hồng Lợi muốn học bơi để rèn luyện sức khỏe và đến xin học với huấn luyện viên Nguyễn Huệ tại hồ bơi Lam Sơn. Thời gian đầu học bơi đối với Lợi rất vất vả do chỉ có một tay nên khó nổi trên mặt nước và thực hiện các động tác di chuyển.
Với quyết tâm, sự kiên trì, Hồng Lợi ra sức tập luyện mỗi ngày, sau một tuần anh đã học được cách bơi cơ bản. Năm 2007, nhờ sự giới thiệu của vận động viên bơi lội khuyết tật Nguyễn Phương Khanh, Lợi gặp được huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn và bắt đầu con đường bơi lội chuyên nghiệp từ đây.
Sau hai năm tập luyện, Hồng Lợi được chọn vào đội tuyển Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2009 và đoạt 3 huy chương đồng. Năm 2010 là một năm rất đáng nhớ đối với Hồng Lợi, anh đã đoạt huy chương vàng đầu tiên tại Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc ở nội dung 400m.
Đặc biệt, Hồng Lợi cũng đã giành huy chương đồng môn bơi lội tại ASEAN Para Games 26 vào năm 2014. Gần đây nhất, tại Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2017, vận động viên Hồng Lợi cũng xuất sắc đoạt 3 huy chương vàng ở các nội dung 100m, 200m và 400m.
Chia sẻ về mục tiêu đối với môn bơi lội trong thời gian tới, Hồng Lợi cho biết: “Tôi phấn đấu đoạt 3 huy chương vàng với thành tích cao hơn ở nội dung 100m, 200m và 400m tại Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc 2018. Về lâu dài, tôi sẽ nỗ lực tập luyện để đoạt được huy chương ở ASEAN Para Games 31 tổ chức tại Việt Nam."
Bên cạnh bơi lội, vào năm 2005, trong một lần tham gia triển lãm tranh chủ đề "Bên đời có em" dành cho trẻ khuyết tật, Hồng Lợi đã gặp và học vẽ họa tiết trên áo dài với nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới tổ chức tại Việt Nam vào năm 2008, Hồng Lợi đã vẽ tay thành công trên áo dài của hoa hậu Hàn Quốc và nhận được nhiều người khen ngợi.
Từ đó đến nay, khi có thời gian rảnh, Hồng Lợi vẫn đến hỗ trợ nhà thiết kế Sỹ Hoàng vẽ họa tiết trên áo dài. Với Hồng Lợi, vẽ họa tiết trên áo dài được anh xem là một nghề để nuôi dưỡng tâm hồn mang đậm chất nghệ thuật.
Hồng Lợi cũng "bén duyên" với nghề diễn viên khi trong một lần đi uống nước với bạn, Lợi gặp đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo. Đạo diễn này ấn tượng với chàng trai khuyết tật giàu nghị lực, có khuôn mặt điện ảnh. Sau đó, đạo diễn Việt Bảo đã mời Lợi tham gia vào vai thám tử “Sáu sầu đời” trong phim "Chuyện xứ dừa," sau đó là vai một người bụi đời với tên gọi Minh “cụt” trong phim "Truy đuổi." Hồng Lợi cho biết, anh sẽ tiếp tục tham gia đóng phim nếu có vai diễn phù hợp với mình.
Hiện nay, dù đã có công việc ổn định nhưng hiện Hồng Lợi vẫn ở lại làng Hòa Bình phụ các bảo mẫu chăm sóc, đưa đón các em đi học và dạy bơi cho một số em. Hồng Lợi đã dạy bơi cho Đăng Minh Bằng, hiện trở thành vận động viên bơi lội khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh...
Với những thành công trong thể thao cũng như lĩnh vực nghệ thuật, Hồng Lợi được nhiều trường học, cơ quan mời đến nói chuyện, chia sẻ nhằm truyền nghị lực, niềm lạc quan trong cuộc sống đến với mọi người.
Hồng Lợi cho biết: “Trong các buổi gặp gỡ, tôi không dặn dò hay nhắn nhủ gì, tôi chỉ chia sẻ về những gì bản thân đã làm được và người khác cũng có thể làm được để mọi người cùng cố gắng trong học tập, công việc, cuộc sống”.
Nguyễn Xuân Dự/TTXVN