Cứ ngỡ trong cơn sốt các chương trình truyền hình thực tế mang nặng tính giải trí và đầy nghẹt các ngôi sao showbiz hiện nay cải lương đã bị cho ra rìa.
 


Trước là tấm lòng, sau tới chuyện làm ăn

Gần như tất cả nhà sản xuất, các danh hài, ngôi sao ca nhạc tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế về cải lương đều có máu mê cải lương và yêu quý bộ môn nghệ thuật này, muốn giúp vực dậy nó. Tuy nhiên, với các nhà sản xuất bỏ vốn đầu tư, tìm đến với cải lương cũng là cách họ làm mới, tìm cái riêng cho các chương trình truyền hình của họ để tạo sức hút mới khi các loại hình giải trí ca nhạc, nhảy múa, hài trên truyền hình ngày càng cạnh tranh khốc liệt, ngày càng trùng lắp gây nhàm chán.

Chị Khánh Vương, Giám đốc Công ty Khánh Vương - đơn vị sản xuất chương trình “Hạt ngọc mùa vàng”, từng là một du học sinh về nước mở công ty làm quảng cáo với những chương trình không dính gì về cải lương. Bốn năm trước đây, vô tình bước vào thế giới cải lương, cô giám đốc trẻ thấy thương bộ môn nghệ thuật này, thương các nghệ sĩ cải lương xa lạ với các công nghệ tiếp thị hiện đại nên dính luôn với cải lương đến giờ. Khánh Vương từng hợp tác với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức thu hình trực tiếp vở cải lương Bên cầu dệt lụa giống như một “event”. Chị cũng từng bảo trợ nhiều thiết bị sân khấu cho live show cuối đời của nghệ sĩ Hồng Nga lẫn bảo trợ cho một số nghệ sĩ cải lương trẻ làm vở đi thi cải lương. Chị cho biết: “Tôi muốn tạo một sân chơi đang rất thiếu cho khán giả mê cải lương. Có rất nhiều người mê cải lương dù già hay trẻ đều muốn một lần được đứng trên sân khấu để diễn những vở cải lương mình yêu thích. “Hạt ngọc mùa vàng” giúp họ thực hiện ước mơ đó. Chúng tôi đã kéo dài chương trình này được mùa thứ hai và đang mong được truyền thông quan tâm nhiều hơn nữa”.

Chị Kim Dung, Giám đốc Công ty Sen Vàng - nhà sản xuất “Tài tử tranh tài”, thì khẳng định: “Tôi muốn thông qua một chương trình thi cải lương mang tính giải trí cao, có nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia để đem cải lương đến gần khán giả trẻ hơn, khiến họ chịu coi cải lương và yêu thích bộ môn này”. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam của “Tài tử tranh tài” cũng chia sẻ anh là người rất yêu thích cải lương nên muốn dùng cải lương để tạo ra một chương trình giải trí mới lạ, thuần Việt và hấp dẫn cho sự phát triển của công ty trong sự cạnh tranh gay gắt hiện nay. Anh và các cộng sự trong công ty đã mất hai năm để xây dựng “format” “Tài tử tranh tài”.

Danh hài Hoài Linh, ca sĩ Quang Linh, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ hài Thu Trang… đều cho biết họ đã dành một sự ưu ái và tình cảm đặc biệt khi tham gia những chương trình truyền hình thực tế về cải lương. Bởi họ rất yêu quý và muốn nâng đỡ bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc nhưng đang chịu nhiều thiệt thòi này.

Thỏa lòng được diễn cải lương

Khác với nhiều cuộc thi vọng cổ khác, “Hạt ngọc mùa vàng” là cuộc thi diễn cải lương dành cho khán giả mọi lứa tuổi. Cuộc thi tạo điều kiện cho ước mơ được ca diễn cải lương như nghệ sĩ trên sân khấu của nhiều người thành hiện thực nên đông đảo khán giả mê cải lương khắp cả nước đủ Bắc - Trung - Nam đã tìm đến tham dự. Chẳng hạn điểm thi sơ tuyển cụm miền Tây là ở Cần Thơ thì nhiều thí sinh ở tận Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… đã khăn gói đi từ khuya cho kịp về dự. Có nhiều thí sinh còn hóa trang sẵn nhân vật từ nhà, để nguyên như vậy leo lên xe đò đến thẳng nơi dự thi. Có thí sinh đủ lứa tuổi từ 10 đến 71 tuổi tham gia cuộc thi này; với đủ các thành phần nghề nghiệp như làm ruộng, sinh viên, học sinh, bác sĩ, kỹ sư, luật sư…

 

Theo Pháp luật TPHCM

.