Chỉ khoảng 200 – 300 khán giả ngồi lọt thỏm giữa sân Thống Nhất lộng gió trong một trận cầu tại V-League, trong khi các ông chủ đội bóng mãi lo cãi nhau. Các đội tuyển thiếu quyết tâm tại những sân chơi lớn, các nhà quản lý bóng đá vẫn hài lòng. Rốt cuộc thì lỗi nằm ở đâu?

 


Số lượng khán giả phản ánh sức sống của một nền bóng đá, phản ánh mức độ hài lòng của người hâm mộ dành cho chất lượng của nền bóng đá ấy. Nhưng ngặt nỗi, khán giả đang ngày càng thưa thớt trên các sân cỏ cả nước.

Khi đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với Trung Hoa Đài Bắc trên sân Hàng Đẫy, đội tuyển đối diện với nguyên cả khu vực khán đài B, C, D vắng người. Còn tại V-League, chỉ khoảng 200 – 300 người lọt thỏm giữa sân Thống Nhất lộng gió, với sức chứa lên đến 2 vạn người. Thử hỏi những nhà quản lý bóng đá Việt Nam có xót xa không?

Và thay vì dành thời gian để tìm phương án nâng chất lượng chuyên môn, tìm phương án để đưa khán giả trở lại sân, những người công tác quản lý CLB lại sa vào những tranh cãi, tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố khách quan khi đứng trước kết quả bất lợi cho mình.

Trong khi đó, những nhà quản lý nền bóng đá bất lực trong việc chấn chỉnh chất lượng của giải đấu, bất lực trong việc chấn chỉnh chuyện “một ông chủ - nhiều đội bóng”, khiến cho niềm tin của người xem mỗi lúc một vơi dần.

Câu trả lời của khán giả dành cho tình trạng vừa nêu cũng đã rõ, những đội bóng bị cho là cùng sở hữu của 1 ông bầu (bầu Hiển) chính là những đội vắng khán giả nhất. Trước đây có Hà Nội FC, giờ có thêm Sài Gòn FC, rồi tiếp nữa là SHB Đà Nẵng đang phải đối diện với lượng người xem thấp kỷ lục.

Khán giả vắng, chất lượng của giải đấu không cao, chất lượng của đội tuyển đang bị đặt dấu hỏi, lộ trình thoát ra khỏi “ao làng” khu vực đang đứng trước thách thức, đấy đều là những vấn đề cần đến khâu định hướng của những nhà quản lý nền bóng đá? Vốn cũng đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng quản lý?
 

Theo Trọng Vũ/ Dân trí

.