Cho đến nay chỉ mới có bầu Đức tuyên bố sẽ có lãi từ bóng đá. Lạ hơn nữa là bầu Đức nói thêm ông chỉ xài 15 tỷ đồng cho cả mùa giải. Con số đấy khiến nhiều người giật mình nhìn lại bản dự chi vài chục tỷ ở các đội khác.

Tiêu hoang

Con số 15 tỷ đồng cho một mùa giải V-League của HA Gia Lai khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ. Bất ngờ hơn nữa ở chỗ bầu Đức cũng gần như là người đầu tiên công khai số thu và số chi trong một mùa bóng của đội mình (thu khoảng 20 – 21 tỷ đồng). Trong khi đó, với cả làng cầu nội, với từng CLB, chuyện họ thu bao nhiêu và chi bao nhiêu, thu từ đâu, chi vào cái gì luôn mờ mờ ảo ảo như mê cung?

Nhiều năm nay người ta chỉ nghe đồn các CLB ở V-League tốn nhiều tiền lắm, có đội mỗi năm tốn đến năm bảy chục tỷ, cao điểm có khi lên đến gần cả trăm tỷ đồng cho cả mùa bóng, nhưng con số cụ thể thì tuyệt nhiên không ai rõ ràng.

Nhiều năm nay người ta cũng không ngờ rằng chỉ cần với khoảng 15 tỷ đồng, một ông bầu nổi tiếng giàu nhất nước, chịu chơi nhất làng bóng đá có thể nuôi một CLB đá V-League một cách khỏe re.

Và hóa ra, lâu nay, bóng đá nội kiệt quệ vì nhiều đội bóng có thói tiêu hoang, chi nhiều khoảng không đáng đồng tiền, nên càng hoạt động càng đuối.

 

1
Chỉ với 15 - 17 tỷ đồng, người ta hoàn toàn có thể nuôi sống một đội bóng V-League, nếu biết cách làm


Riêng trường hợp của HA Gia Lai, họ không tốn nhiều tiền vì thực ra họ không mua bán nhiều cầu thủ. Lực lượng của Gỗ là lực lượng nội tại, do chính CLB đào tạo (cụ thể là lứa U19 từ học viện HAGL-Arsenal.JMG), Gỗ chỉ bổ sung 1 – 2 ngoại binh để tô điểm thêm đội hình.

Nếu đã không mua sắm thì ắt không tốn kém. Vấn đề là lâu nay nhiều đội bóng trong nước không chịu làm điều ấy, rồi thay phiên nhau kêu khát tiền. Nhiều đội không chịu làm dù họ có đầy đủ điều kiện để làm, dạng Đồng Tháp, Khánh Hòa (các năm trước),…

Người ta thấy lạ ở chỗ Đồng Tháp dù than nghèo nhưng thay vì dùng cầu thủ do mình tự đào tạo cũng mua chỗ này sắm chỗ kia, đến mất suýt phải xóa sổ vì kiệt quệ. Khánh Hòa vài năm trước cũng đâu thiếu cầu thủ tốt từ địa phương, nhưng vẫn mua sắm không thua ai (dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn), trước khi phải xóa sổ một lần, để giờ phải làm lại từ đầu.

Kiếm tiền và tiêu tiền

Bóng đá Việt Nam lâu nay tồn tại thực tế rằng người biết kiếm tiền thì ít, trong khi người xài tiền lại quá nhiều, mà đa phần xài tiền không đúng cách, không đúng chỗ.

Bóng đá nội tồn tại những cái “phết”, cái “phẩy” xung quanh những bản hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ, khiến cho giá cầu thủ luôn được đẩy lên quá cao, cao hơn hẳn giá trị thực, để đáp ứng đủ phần… chia cho tất cả các bên tạo nên bản hợp đồng ấy.

Ví như câu chuyện thủ môn Bửu Ngọc về Cần Thơ. Thông tin cho hay là thủ thành này có giá 6,6 tỷ đồng theo hợp đồng 3 năm. 6,6 tỷ đồng chắc chắn không phải là con số nhỏ, trong khi Bửu Ngọc chỉ là 1 thủ môn và cũng chưa thuộc diện sao sáng của bóng đá Việt Nam.

Ở đây, lãng phí hay không lãng phí thì không biết, nhưng Cần Thơ cũng chẳng thuộc vào loại đại gia của bóng đá nội mà đã dám chi cao tay như thế. Rồi cũng chẳng có gì đảm bảo rằng Cần Thơ sẽ không trở thành những K.Kiên Giang hay HV.An Giang tiếp theo?

Thế nên, nhìn cách đội bóng xứ Tây Đô gom Bửu Ngọc về với mình với giá vừa nêu thì người ta cũng bắt đầu hiểu tại sao trong bóng đá nội, có nhiều đội, nhất là với các đội vẫn phải sống bằng một phần tiền ngân sách, đang hoạt động giữa chừng bỗng đột ngột thông báo… hết tiền.

Bóng đá Việt Nam kiệt quệ vì nhiều người làm bóng đá, nhất là những người quản lý các CLB không nghĩ ra cách làm sao để bán vé, để tăng nguồn thu, làm sao để giáo dục cầu thủ phải đá đẹp, thu hút nhà tài trợ, cũng là để tăng nguồn thu, nhưng lại không thiếu những người chỉ chăm chăm vào chuyện tiêu tiền.

Bóng đá nội tầm CLB có quá nhiều những nhân vật chỉ hàng ngày nghĩ cách hợp thức hóa các khoản chi, nghĩ đến những cái “phết”, cái “phẩy” hòng tư túi, khiến cho CLB và địa phương thay vì chỉ cần mỗi năm tốn khoảng 15 – 17 tỷ đồng là có thể nuôi đội bóng, lại phải bỏ ra đến gấp 3 – 4 lần số ấy, khiến đội bóng càng ngày càng đuối, thậm chí phá sản, còn địa phương mỗi lúc một nghèo!
 

Theo Dân trí

.