Có thế thấy còn quá nhiều vấn đề bất cập trong quá trình chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam kéo dài hơn 1 thập kỷ qua.
Có lẽ chưa từng có ở 1 giải đấu cấp quốc gia nào có đội bóng “được lòng” từ Trưởng BTC giải cho tới các quan chức hay thậm chí là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá cả nước như ở V-League. Lối chơi đẹp mắt, vị nghệ thuật, cống hiến hết mình dù “thua cũng sướng” đã thay những người làm bóng đá nước nhà kéo khán giả trở lại, sau những bê bối bán độ, làm độ “rúng động” dư luận suốt thời gian qua.
Sự thật là ai cũng thấy ĐT U19 VN và bây giờ là “những cậu bé của bầu Đức” đã cứu VFF một bàn thua trông thấy khi khơi lại niềm đam mê trái bóng tròn ở người hâm mộ vốn đã nguội lạnh với môn thể thao vua sau khi phải chứng kiến quá nhiều điều “giả dối” ở V-League nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung.
|
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và "bầu" Đức đang đặt hết niềm tin vào lứa Công Phượng (Ảnh: Tri thức) |
Vì vậy, để “ghi công”, Chủ tịch VFF không ngần ngại khẳng định rằng đội bóng đó là “tương lai của bóng đá nước nhà”, hay xếp trên khi so sánh với cái tên Thể Công “thần thánh” đã được tạc sâu, khắc ghi trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam qua biết bao thập kỷ.
Đây cũng là lý do khiến HLV ĐTQG và U23 VN là Toshiya Miura tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi Trưởng BTC giải trầm trồ, đứng lên, ngồi xuống, xuýt xoa tiếc nuối, khi dự khán trận đấu của đội bóng với các cầu thủ được xem là “tương lai của bóng đá nước nhà” ấy với 1 CLB khác.
Có lẽ vì quá kỳ vọng và tin tưởng vào những “người hùng tuổi teen” đó mà những người làm bóng đá sẵn sàng “đẩy” họ vào sân chơi khắc nghiệt như V-League, “rèn luyện” chịu đựng trước mọi áp lực từ truyền thông, dư luận để “chín ép” và sớm thay thế những cầu thủ “đàn anh” – vốn cứ thua là bị nghi ngờ bán độ từ người hâm mộ cho tới cả người đứng đầu VFF.
Những “cậu bé đá bóng” phải tập luyện đối mặt với sức ép, trong đó có cả việc thất bại để sớm trưởng thành như người thầy ngoại quốc khẳng định sau mỗi trận thua – cùng lời hứa bảo đảm từ Chủ tịch CLB “xuống hạng cũng chẳng sao”.
Tạm gác lại chuyện về những cầu thủ được xem là “cứu tinh” của bóng đá nước nhà, để trở lại với sân chơi cao nhất - V-League 2015, ai cũng thấy vòng đấu thứ 6 bắt đầu “nổi sóng” nạn bạo lực sân cỏ. Đây là vòng đấu đã lập kỷ lục về thẻ phạt trong mùa giải 2015 với tổng cộng 41 thẻ phạt được các trọng tài rút ra.
|
"Bóng ma" bạo lực sân cỏ lại trở về ám ảnh Ban tổ chức giải sau "cơn mưa" thẻ ở vòng 6 V-League (Ảnh: Hà Khánh) |
Trong số đó, có tới 5 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra, bằng với cả 5 vòng đấu trước cộng lại. Con số thẻ vàng cũng nằm ở mức kỷ lục: 36 thẻ vàng cho 7 trận đấu (trung bình hơn 5 thẻ vàng/trận). Đáng chú ý là trận đấu sớm giữa Đồng Tháp và QNK Quảng Nam trên sân Cao Lãnh có tới 2 thẻ đỏ, đều giành cho các cầu thủ khách.
Những pha vào bóng ác ý, có thể xem là “xấu xí” trên sân khiến Ban tổ chức giải cũng phải tổ chức họp khẩn cấp để đưa ra những án phạt kỷ luật nghiêm khắc sau vòng đấu này nhằm tránh việc “bóng ma bạo lực” ám ảnh từ khi bóng đá “lên chuyên” vào năm 2001.
|
Kỷ lục về thẻ phạt ở vòng 6 V-League 2015 (Ảnh: Nhung Trần) |
Cũng hồi đầu mùa, nhà tài trợ Toyota trước khi đặt bút ký hợp đồng tài trợ cho V-League 2015 đã yêu cầu Công ty VPF phải cam kết cải thiện hình ảnh giải đấu và Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn khi đó đã thay mặt ban tổ chức tuyên bố sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện đúng cam kết. Thế nhưng mới chỉ qua 6 vòng, giải đã xuất hiện những hình ảnh “xấu xí”.
Được nhắc đến đầu tiên là hình ảnh các ghế khán đài sân Hàng Đẫy trống vắng và phủ đầy bụi vì không được lau chùi. Những khán giả đến sân Thanh Hóa, sân Vinh hay sân Long An luôn trong cảnh lo lắng xảy ra sự cố bởi các khán đài mục nát, xuống cấp trầm trọng.
Điều này dẫn đến nghịch lý: nhà tổ chức giải và đội bóng luôn mong mỏi các khán đài được lấp kín nhưng khi người xem đến chật kín sân thì lại sốt vó lo quá tải, điển hình là những nghi ngại về sự cố “vỡ sân” mỗi khi Công Phượng hay HAGL thi đấu.
|
Bóng đá Việt Nam cần "cách mạng" từ...khán đài (Ảnh: Theo VnExpress) |
Bức xúc nhất nhưng lại khó nói nhất là chuyện những nhà vệ sinh rất… mất vệ sinh tại một số sân ở V-League. Điển hình như sân Lạch Tray nằm trong những địa điểm thi đấu lớn nhất miền Bắc nhưng ngay đến khu vệ sinh khán đài VIP cũng nồng nặc “mùi”, không có nước xả, hay nước rửa tay.
Nếu muốn đổi mới thật sự, hãy làm “cách mạng” từ khán đài, để người hâm mộ có thể yên tâm, thoải mái tới sân cổ vũ, hay ít ra là không phải nhăn mặt tìm chỗ đi vệ sinh trong sân. Tương tự, những người làm bóng đá nước nhà cần gương mẫu hơn, chuyên nghiệp hơn từ thái độ để các cầu thủ ý thức được trách nhiệm của mình và chơi bóng cống hiến vì tình yêu bóng đá thực sự./.
Theo VOV