Sau những lần sục sôi vì thành tích, các nữ cầu thủ Việt Nam thường trở về với sự tĩnh lặng khi thi đấu trên những sân bóng vắng khán giả ở giải vô địch quốc gia.

Lượt về cùng các vòng bán kết, chung kết của Giải bóng đá nữ Vô địch Quốc gia 2016 diễn ra tại sân Thống Nhất (TP HCM) trong những ngày tháng Tám và Chín. Nhưng dù là giữa tuần hay cuối tuần, ai đá với ai, giờ sớm hay muộn, khán đài của sân vẫn vắng bóng khán giả, thậm chí có những trận đếm vội được khoảng chục người. Thế mới có giai thoại, HLV đội nọ ra sân thấy đông người, mừng húm tưởng CĐV đến xem nhưng sau phát hiện ra đó là ban huấn luyện và cầu thủ đội bạn đến thám thính.

 

 Những khán đài trống trơn ở sân Thống Nhất. Ảnh: Đông Huyền.
Những khán đài trống trơn ở sân Thống Nhất. Ảnh: Đông Huyền.


Chịu đựng mãi cũng thành thói quen. Các thế hệ cầu thủ nữ, từ Lưu Ngọc Mai, Đặng Thị Kim Chi đến Kiều Trinh, và mới nhất là Chương Thị Kiều, Tuyết Dung đều xem chuyện này là chuyện bình thường, dù thật ra nó chẳng bình thường chút nào. Thủ môn Kiều Trinh chia sẻ: “Ra sân thi đấu mà không có khán giả thì khó hoặc thậm chí không có hưng phấn. Nhưng mà với Trinh thì cũng không có gì lạ cả. Bao nhiêu năm nay cũng đã quen rồi!”.

Trong khi đó, HLV Lường Văn Chuyên của đội Sơn La, chỉ ra sự khác biệt khi giải được tổ chức ở TP HCM và các tỉnh thành khác: “Lượt về tại TP HCM lượng khán giả đặc biệt thưa thớt so với tổ chức ở Hà Nam hay các tỉnh khác. Cầu thủ mà thi đấu ở những sân không khán giả, dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu. Ai cũng muốn thể hiện, nhưng chẳng ai cổ vũ, thì sức đá cũng giảm hẳn”.

Thực tế này trái ngược với những lời tung hô lẫn hứa hẹn khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đạt thành tích tốt ở đấu trường quốc tế. Khán giả tung hô yêu bóng đá nữ, hô hào luôn đồng hành và ủng hộ bóng đá nữ. Nhưng với thực trạng ở giải vô địch quốc gia, sự yêu thương kia cũng chỉ là lời nói mà chẳng có hành động thực tế nào. Hiếm ai chịu bỏ thời gian đến sân bóng xem, và cổ vũ cho các cô gái như lời họ từng nói.
 

Nói đi cũng phải nói lại. Người hâm mộ thể thao Việt Nam xưa nay luôn “đói” những hoạt động bên lề đi kèm các sự kiện chính, để có cơ hội bày tỏ sự yêu mến đến VĐV. Họ cũng hiếm khi được thông tin cụ thể, minh bạch về các giải đấu. Trong khi đó, thị hiếu giải trí của công chúng ngày nay cũng đã khác. Họ đang có rất nhiều lựa chọn để tiêu khiển, từ điện ảnh đến truyền hình, từ du lịch đến ẩm thực.

Nếu bản thân các nhà tổ chức sự kiện thể thao, mà cụ thể ở đây là bóng đá nữ,  không tự thay đổi cách thức vận hành một sự kiện thể thao có tính giải trí nhiều hơn, thì tự khắc nhu cầu của khán giả sẽ tìm đến những thú tiêu khiển khác đáng giá hơn. Thế nên chuyện khán đài hiu quạnh, không khán giả như ở giải vô địch nữ đang diễn ra cũng là dễ hiểu.

Vậy các nhà chức trách đã làm gì? Cuối năm 2013, sau khi tuyển nữ Việt Nam có HC bạc SEA Games 27, VFF tuyên bố sẽ đầu tư mạnh dạn và đầu tư nhiều hơn nữa cho bóng đá nữ. Gần ba năm sau chuyển biến cũng có nhưng chưa thể gọi là mạnh mẽ và đủ hấp dẫn.

Số đội tăng từ bảy thành tám, nhưng đội mới là đội TPHCM II - tức là đội trẻ của tuyển TP HCM cũ. Hệ thống thi đấu cũng đã có thêm giải tập huấn U16 từ năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng đội và mở rộng hệ thống, khâu quảng bá và tiếp thị thể thao gần như bằng không. Hậu quả là các cầu thủ nữ vẫn chỉ ra sân đá với nhau mà chẳng có ai biết đến.

Trên thế giới, từ vài năm qua, bóng đá nữ đã được FIFA đặc biệt chú trọng. Tại World Cup bóng đá nữ 2015 ở Canada nhiều kỷ lục đã được thiết lập, về số lượng đài truyền hình phát sóng các trận đấu và lượng khán giả theo dõi trong suốt giải. Đó là bằng chứng cho thấy bóng đá nữ ngày càng thu hút và hấp dẫn.

 

Những
Những "khán giả" hiếm hoi trên sân, trong trận đấu giữa hai thế lực của bóng đá nữ nước nhà là TP HCM và Phong Phú Hà Nam. Ảnh: Đông Huyền.


Chỉ trong năm 2015, FIFA tăng gấp đôi mức đầu tư vào bóng đá nữ, với 130 liên đoàn thành viên và hơn 55.000 cầu thủ và HLV, mở nhiều trung tâm đào tạo, học viện bóng đá khắp nơi trên thế giới. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, có sự hiện diện của những lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn, cùng chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra giải pháp thúc đẩy sự phát triển. Vừa làm công tác chuyên môn, vừa làm công tác marketing nội dung, FIFA tin rằng bóng đá là phương tiện đề cao bình đẳng giới giữa nam và nữ, và bóng đá nữ sẽ giúp cơ quan quản lý bóng đá cao nhất thế giới hoàn thiện, tồn tại bền vững.

Câu chuyện về công tác phát triển bóng đá nữ của FIFA thật sự là một bài học đáng giá cho VFF, về thay đổi tư duy quản lý và vận hành các sự kiện thể thao lẫn chất lượng chuyên môn. Còn với người hâm mộ, bao giờ tiếng yêu mới chân thành?

 

Theo VnExpress

.