Bầu Đức tuyên bố sẽ không bỏ bóng đá, tình hình của HA Gia Lai cho đến giờ cũng chưa đến mức phải bỏ bóng đá. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta thấy CLB HA Gia Lai bình lặng như vậy, cũng chưa bao giờ người ta thấy một số dấu hiệu từ đội bóng này như vừa thấy.

 


Có thể người HA Gia Lai lý giải việc sử dụng toàn bộ lứa U21 đá V-League, loại bỏ đến hơn 20 cầu thủ cũ ở mùa giải trước là trẻ hóa, nhưng cũng có thể đó là phương án mà Gỗ muốn làm giảm quỹ lương, quỹ chuyển nhượng của chính họ, trong bối cảnh mà Gỗ cần tiết kiệm.

Việc HA Gia Lai phải thế chấp khu đất của học viện đào tạo trẻ của CLB này cũng là dấu hiệu chưa từng xảy ra từ lúc bầu Đức dấn thân vào làm bóng đá. Học viện đấy có thời là niềm tự hào của bầu Đức, ở chỗ như ông tuyến bố trước ông chưa ai cho ra đời một học viện tương tự.

Bóng đá, như đã nói, là thương hiệu của doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai nói chung và bản thân bầu Đức nói riêng. Nếu không có bóng đá, có lẽ không mấy ai biết đến bầu Đức như ngày hôm nay, biết đến thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai rộng rãi như bây giờ.

Chính vì thế, một khi bầu Đức tiết lộ ông cần dành thời gian cho việc kinh doanh, bớt tập trung vào bóng đá, thì không thể tránh được việc có lời ra tiếng vào về sự máu mê mà bầu Đức dành cho bóng đá.

Trước nữa, cũng trong tháng 3 vừa rồi, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố rút đội bóng Hoàng Anh Attapeu khỏi giải Lao-League 2016. Đấy cũng là động thái cho thấy bầu Đức đang rút dần khỏi những hoạt động đầu tư vào bóng đá mà ông từng hết sức tâm huyết.

Sau Hoàng Anh Attapeu có đến lượt HA Gia Lai đang chơi tại V-League lâm vào cảnh ngộ tương tự hay không là điều không ai dám chắc?

Phía đại diện đội bóng đá HA Gia Lai, trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh cho hay tình hình của CLB vẫn ổn, lương và các chế độ khác của cầu thủ đều được đảm bảo. Trong khi đó, bầu Đức khẳng định những khó khăn hiện tại không ảnh hưởng đến việc ông đầu tư cho bóng đá.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế của Navibank Sài Gòn, XM Xuân Thành Sài Gòn, hay V.Ninh Bình ngày trước, người ta không thể không băn khoăn? Hồi đấy, các đội bóng nổi tiếng giàu có vừa nêu cũng bắt đầu bằng cảnh chậm lương, nợ lương cầu thủ. Tiếp đến lãnh đạo đội bóng tuyên bố mọi việc vẫn bình thường, nhưng rốt cuộc một thời gian ngắn sau đó thì tất cả các đội vừa nêu đều không còn tồn tại với những cách thức bỏ bóng đá khác nhau, nhưng kết quả thì chỉ có một!
 

Theo Dân trí

.