"Bài toán" khó chưa có lời giải
Cập nhật lúc 13:30, Thứ hai, 10/06/2013 (GMT+7)
Mỗi khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Đại hội thì công tác nhân sự lại “nóng” hơn bao giờ hết. Nhiều người muốn chen chân vào chiếc ghế nóng này, nhưng để đưa được ai xứng đáng ngồi vào chiếc ghế nóng này lại là một bài toán vô cùng hóc búa.
AFF Cúp năm 2012 Đội tuyển Việt Nam thua kém các đội trong khu vực về thể lực, chuyên môn cũng như chiến thuật. Seagame 26 Đội tuyển U23 Việt Nam cũng vậy. Bóng đá Việt Nam đang dần tụt hậu so với các nước trong khu vực. Trong đó người chịu trách nhiệm đầu tiên, lớn nhất là Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Nguyên nhân bóng đá Việt Nam tụt hậu có thể do những người trong Ban chấp hành Liên đoàn chưa có nghề, chưa có chuyên môn và có thể họ chưa làm bóng đá bao giờ. Dẫn đến suốt một thời gian dài bóng đá nước nhà bị tụt lại so với nền bóng đá trong khu vực. Các câu lạc bộ phát triển như thế nào cũng mặc. Bỏ bẵng việc chăm lo đào tạo bóng đá trẻ. Trong khi đó lại dung túng cho trọng tài...
Để đưa bóng đá Việt Nam phát triển, lần này Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần tuyển chọn thật kỹ đối với vấn đề nhân sự. Trước tiên là những người trong Ban chấp hành. Đặc biệt là chức Chủ tịch và nếu giữ chức Chủ tịch phải là người có tâm, có tầm, chuyên môn giỏi, biết làm công tác tổ chức. Những người ra ứng cử viên chức Chủ tịch đều phải trình bày đề án phát triển bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ. Đề án đó được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho những người am hiểu bóng đá bình chọn, nhận xét, Thông qua việc bình chọn, nhận xét đánh giá của quần chúng nhân dân có thể góp thêm cho đại hội có cách nhìn sáng suốt và khách quan hơn để lựa chọn vị tân Chủ tịch, xứng đáng với mong đợi của những người yêu mến bóng đá. Liên đoàn nên đề ra các tiêu chí để lựa chọn Chủ tịch mới. Ai không đủ tiêu chí thì không đưa vào danh sách tranh cử. Có câu lạc bộ đã từng nhầm đưa người có chức có quyền, thích bóng đá, nhưng không có chuyên môn. Kết quả ông ta trở thành một con rối trong câu lạc bộ, khi đưa ra những quyết định sai lầm, làm tổn hại đến sự phát triển của đội bóng mà nhiều người đã dày công xây dựng.
Bóng đá là một nghề đặc thù, không biết nghề thì rất khó lãnh đạo. Do đó, nếu giữ chức vụ Chủ tịch trước tiên phải là người biết nghề, được đào tạo cơ bản về bóng đá. Chọn nhân sự không nên dùng áp lực từ nhiều phía. Hơn thế, bóng đá còn là một môn thể thao được xã hội hóa sớm nhất ở Việt Nam và VFF lại là một tổ chức xã hội thì không nhất thiết Chủ tịch phải là người của Nhà nước. Người đứng đầu VFF phải là người có năng lực, uy tín, có kinh nghiệm và phải đam mê bóng đá.
Có thể nói, chưa khi nào cuộc đua tranh vào chiếc ghế Chủ tịch VFF lại nóng và gây nhiều sự tranh luận sôi nổi như hiện nay. Dư luận xã hội, giới truyền thông và đặc biệt là của những người quan tâm và yêu mến môn thể thao vua cho rằng: những ai không có khả năng phù hợp, không đam mê thì đừng nên ép họ ngồi vào vị trí cao nhất của VFF làm gì, vì nếu tốt thì vô cùng vinh quang, ngược lại nếu không tốt thì áp lực vô cùng ghê gớm…
Hải Hưng
.