35 cú sút cầu môn mà 20 trong số đó đi đúng vào khung thành. Sở hữu bóng đến 64% trong 120 phút. Dồn ép đối thủ đến tức thở. Không ai ngờ đó là Ý, đội bóng thường được biết với triết lý phòng ngự phản công.

 

Lại chết trên chấm 11m, nhưng không phải định mệnh hay lời nguyền nào cho tuyển Anh - Ảnh Reuters
Lại chết trên chấm 11m, nhưng không phải định mệnh hay lời nguyền nào cho tuyển Anh - Ảnh Reuters
Quá vất vã cho Joe Hart trong một trận cầu mà có đến 20 cú sút của tuyển Ý đi trúng đích - Ảnh Reuters
Quá vất vã cho Joe Hart trong một trận cầu mà có đến 20 cú sút của tuyển Ý đi trúng đích - Ảnh Reuters

 

Đồ họa TTO - Nguồn: uefa.com

 

Ý thắng trên chấm phạt penalty

 

 Phòng ngự để... chết!

 

Sự nhọc nhằn của Joe Hart được dự báo ngay từ phút thứ ba khi De Rossi tung cú vô lê như trái phá đập cột dọc. Mười phút đầu trận, các học trò của Prandelli dồn lên vây hãm khủng khiếp, đẩy các cầu thủ áo trắng vào thế chống đỡ vất vả. Người Anh sau đó cũng mang đến chút hy vọng cho người hâm mộ khi định thần và đáp trả với cú sút cận thành của Glen Johnson mà nếu không có sự xuất sắc của Buffon, Ý đã khóc hận.

 

Có điều, Anh chỉ chơi thực sự hay thế trận phóng ngự phản công ở hiệp đấu đầu tiên, hiệp đấu mà Rooney và Welbeck đã có vài pha phối hợp đập nhả, tìm được khoảng trống để đe dọa khung thành tuyển Ý.

 

Chọn thế trận phòng ngự với nhiều tầng nấc, Roy Hodgson đã chấp nhận sự rủi ro ở xác suất rất cao. Phải thừa nhận, hàng tứ vệ của tuyển Anh (Johnson, Terry, Lescott, A.Cole) đã chơi tốt (hay có thể nói là rất tốt): Không dưới năm lần, các trung vệ và hậu vệ biên của tuyển Anh kịp lao về cản phá những pha kết thúc trong thế cầu thủ đối phương đối mặt với Joe Hart.

 

Phòng ngự tốt nhưng tuyển Anh lại không phải là đội chơi phản công giỏi. Rooney ở trận đấu thứ hai tại VCK chỉ là một cái bóng nhạt nhòa. Welbeck quá non cơ trước Barzagli và Bonucci. Theo Walcott vào sân ở phút 60 (thay cho Milner) gần như không chạm được bóng. Gerrard và Parker chỉ chăm chăm lo đánh chặn, hình thành vành đai phòng ngự thứ hai, gần như không còn khả năng phát động tấn công.

 

Thống kê cho đến phút 108 của trận đấu, Ý thực hiện đến 720 đường chuyền, nghĩa là hơn gấp đôi so với đối thủ (Anh chỉ có 309 đường chuyền trong cùng thời gian). Con số này chỉ rõ sự hơn hẳn của tuyển Ý trong các phương án triển khai tấn công và phòng ngự.

 

Phải thừa nhận là Pirlo và các đồng đội đã thiếu chút may mắn để giải quyết trận đấu trong 120 phút khi hai lần bóng bật cột dọc (một của De Rossi phút thứ ba và một của Diamanti phút 101).

 

Roy Hodgson đã thành công khi không để thủng lưới trong 120 phút. Nhưng, rõ ràng ông không chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể thắng trên chấm phạt luân lưu. Ở đây, yếu tố tâm lý một lần nữa lại đè nặng lên người Anh. Họ quá yếu bóng vía khi đã có lợi thế dẫn trước một bàn (Montolivo sút hỏng ở lượt thứ hai), nhưng cả Ashley Young và Ashley Cole đều sút hỏng.

 

Phạt đền 2-4

Anh

Ý

-       Gerrard (vào)

-       Rooney (vào)

-       Young (hỏng)

-       Cole (hỏng)

-       ?

-       Balotelli (vào)

-       Montolivo (hỏng)

-       Pirlo (vào)

-       Nocerino (vào)

-       Diamanti (vào)

 

 Cái lý của những đầu bếp

 

Lần thứ sáu tại các giải đấu lớn, Anh chết trên chấm phạt đền, nhưng không có một định mệnh hay lời nguyền nào cho tuyển Anh. Đơn giản là họ không xứng đáng thắng Ý.

 

Từng cầm quân ở Ý với Inter Milan rồi Udinese, Roy Hodgson hiểu rõ bóng đá Ý, hiểu rõ tính thực dụng và chất Italia trong tổ chức trận đấu, và thậm chí, ông còn “học” được ở bóng đá Ý những tinh túy của nó.

 

Fabio Capello là người Ý chính hiệu. Người tiền nhiệm của Fabio, Sven Eriksson cũng thành danh từ Calcio. Do đó, tính cách Ý đang ngày càng ăn sâu vào triết lý bóng đá Anh. Dĩ nhiên, với mỗi nhà chiến lược, việc sử dụng duy nhất một triết lý bóng đá là chuyện không tưởng.

 

Vấn đề là họ có gì trong tay. Với loại nguyên liệu nào, một đầu bếp giỏi vẫn sẽ cho ra một món thực phẩm ăn được. Hi Lạp 2004 của Otto Rehhagel là một thí dụ. Họ lên đỉnh châu Âu bằng một hệ thống phòng ngự phản công xuất sắc dựa trên những cá nhân không giàu có kỹ thuật nhưng biết tận dụng cơ hội và tôn trọng tận cùng đấu pháp trận đấu.

 

Cho nên, việc Roy Hodgson chọn phòng ngự làm nền tảng cho hành trình Euro 2012 cũng là điều dễ hiểu: Anh không có những cá nhân có thể khuấy đảo hàng phòng ngự đối phương, không giỏi trong đánh trung lộ, không nhiều mảng miếng đập nhả, bật tường để thâm nhập vùng cấm đối phương, vậy thì, chơi chắc chắn để không thủng lưới, chờ đợi đối phương sai lầm để tìm kiếm chiến thắng là điều dễ hiểu.

 

Pradelli cũng vậy, khi thiếu hậu vệ lại đang sở hữu trong tay một Andrea Pirlo có nhãn quan chiến thuật, khả năng phát động tấn công thuộc hàng hiếm của bóng đá thế giới, vậy thì tại sao không tận dụng món quà trời cho đó.

 

Biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng.

 

Tại vòng bảng, Anh không có gì nổi trội. Họ thực hiện 375 đường chuyền trung bình mỗi trận đấu với độ chính xác là 83%. Ý chuyền bóng nhiều hơn, 439 lần và dĩ nhiên, độ chính xác thấp hơn một chút về tỷ lệ phần trăm: 82%. Nói cách khác, cách chơi của Ý đang gần hơn với tiqui - taca của Tây Ban Nha: nhỏ, nhuyễn, nhiều chạm.

 

Và Prandelli đã không cho Roy Hodgson một quà tặng nào khi tuyển Ý không phạm sai lầm. Nếu hàng tiền vệ mất bóng, đã có bộ tứ vệ bọc lót. Nếu đối phương xuất sắc qua người, thì đã có Buffon gác đền.

 

Ý - Đức, một trận thư hùng nữa đang chờ người hâm mộ ở bán kết. Liệu Pirlo và các đồng đội sẽ còn mang đến niềm vui nào cho người Italia? Chờ xem.

 

Đội hình xuất phát - Đồ họa TTO

 

TIỂU DOANH (TTO)