(BVPL) - Trưa ngày 24/8 nam ca sĩ Long Nhật cùng toàn bộ ê kip của mình đã có mặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để dự buổi giao lưu do Đài Truyền hình Đồng Nai và Bộ tư lệnh – Vùng Cảnh sát biển 3 tổ chức. Đây là một trong những chuyến đi trọng điểm trong năm được nam ca sĩ gốc Huế và toàn bộ ê kip vạch ra để đồng hành cùng các dự án biên cương, hải đảo của mình.
Đón tiếp đoàn có Đại tá Đinh Quốc Ruân – Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Đại tá Lê Văn Thu – Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Thượng tá Đinh Văn Điền, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cùng đại diện của Đài Truyền hình Đồng Nai cũng như toàn bộ chiến sĩ cảnh sát biển đang đóng quân tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xuất hiện cùng với Long Nhật là ca sĩ Vương Bảo Tuấn, một người bạn đồng hành trong suốt con đường nghệ thuật của Long Nhật suốt thời gian qua. Nam ca sĩ trình diễn ca khúc Tàu anh qua núi để mở màn chương trình văn nghệ, giúp các chiến sĩ ấm lòng và gẫn gũi hơn với tình quân dân. Sau đó, anh tiếp tục trình diễn ca khúc Thuyền giấy chiều mưa gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của mình suốt những năm tháng làm nghề. Giọng hát trầm, khỏe âm vang của Vương Bảo Tuấn khiến các chiến sĩ cảnh sát biển xôn xao nỗi nhớ quê nhà khi từ bỏ tất cả để canh giữ từng mảnh đất vùng biển tổ quốc.
|
|
|
|
Ngay sau đó, Long Nhật cũng xuất hiện và trình diễn liên tiếp bốn ca khúc gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió là Ở hai đầu nỗi nhớ, gần lắm Trường Sa, Bâng khuâng Trường Sa và đặc biệt là ca khúc Lời người ra đi. Từng câu từng chữ trong những bài hát như in vào tâm khảm người lính với hình ảnh bờ cát, ngọn sóng và tay súng… đôi lúc khiến các chiến sĩ sục sôi nhưng cũng có đoạn làm họ mông lung ánh mắt đăm đắm nỗi nhớ quê nhà.
Đã lâu lắm rồi, cơ quan của các anh chiến sĩ trẻ mới đón nhận những đoàn văn nghệ ấm áp tình người như thế. Họ vỗ tay, hò reo và ngêu ngao hát theo từng bài hát mà in đậm hình ảnh của chính mình trong đó. Sau phần giao lưu, cả đoàn lại được các chiến sĩ dẫn đi tham quan con tàu đặc nhiệm của Cảnh sát biển Việt Nam hiện đại và tối tân bậc nhất do Hà Lan sản xuất dưới sự giám sát của Hội đồng chuyên môn Hoàng gia Anh.
Tại đây, Long Nhật, Vương Bảo Tuấn cùng anh chị em trong ê kip như hiểu thêm cuộc sống “trăm điều khó” của các chiến sĩ nơi biên cương hải đảo. Họ ăn, ngủ, hát ca cùng với ngọn sóng và những cơn thịnh nổ của biển cả bất cứ lúc nào. Hình ảnh người chiến sĩ cụ hộ giữ vững biên cương tổ quốc được mô tả rõ nét trong từng câu chuyện chưa từng tiết lộ làm cho cả đoàn không khỏi chạnh lòng.
Long Nhật và Vương Bảo Tuấn cùng chia sẻ: “Có đi mới biết được trong đất liền của mình vẫn còn sung sướng và êm ấm lắm. Nơi đây, những chàng trai trẻ chỉ mới ngoài đôi mươi đã phải giữ vững tay súng của mình để bảo vệ đất biển, ngư dân, tài sản quốc gia. Làn da họ rám nắng cháy đen nhưng trên đôi môi nụ cười rạng rỡ lại không bao giờ tắt. Trước khi ra về, cả đoàn quyến luyến như chẳng muốn rời khiến các chiến sĩ cũng không nỡ rời xa. Long Nhật và Vương Bảo Tuấn cùng hứa sẽ nhanh chóng trở về và thực hiện một chương trình văn nghệ hoành tráng của riêng mình để hát, giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ nơi đây.
Sau thời gian dài làm mới hình ảnh và con đường nghệ thuật của mình, Long Nhật chú tâm hơn vào các dự án nói về quê hương, biển đảo cộng đồng và xã hội. Trước đó anh cũng đã gây nên một cơn “chấn động” không hề nhỏ khi cho ra mắt dự án Trường Sa biển trời đất mẹ vô cùng ý nghĩa và đậm tính nhân văn. Dự kiến, Long Nhật sẽ tiếp tục còn đồng hành cùng với các chủ đề này vào tương lai không xa, thực hiện đúng lời hứa của mình là bám biển, bám đất bằng lời ca tiếng hát.
Huy Khánh