Đã bước sang mùa thứ 2 và có thêm phiên bản mới “Giọng hát Việt phiên bản nhí” nhưng game show truyền hình Giọng hát Việt phát sóng trên VTV3 vẫn chưa bớt “sính ngoại” khi vẫn còn rất nhiều thí sinh chọn ca khúc tiếng Anh để trình bày trong phần dự thi của mình.
 


“Hiện tượng” Giọng hát Việt hát tiếng Anh ở mùa đầu tiên đã tốn khá nhiều giấy bút của báo chí và nhận nhiều lời bình luận khá gay gắt trên các trang mạng xã hội. Nhiều người còn đặt dấu hỏi liệu các thí sinh chọn các bài hát ngoại vì “kém tài” để loại bớt những nhận xét của đông đảo khán giả hiểu nhạc Việt?

Dạy trẻ “sinh ngoại”

Sau khi Giọng hát Việt mùa đầu được tổ chức khá thành công, thay vì tổ chức 2 năm 1 lần, Giọng hát Việt đã tái xuất sau chỉ vài tháng. Lần này, chỉ còn lại gương mặt cũ duy nhất của dàn huấn luyện viên mùa trước là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ba huấn luyện viên mới là Mỹ Linh, Hồng Nhung và Quốc Trung. Đặc biệt, năm nay lại có thêm phiên bản “Giọng hát Việt nhí” dành cho các em nhỏ tuổi có năng khiếu và đam mê âm nhạc.

Những tưởng sau nhiều lời chỉ trích về việc hát quá nhiều bài nhạc ngoại ở mùa trước, Giọng hát Việt năm nay sẽ có những thay đổi tích cực hơn. Nhưng dù có đỡ hơn, thì “cái bóng” hát nhạc ngoại mùa trước vẫn còn xuất hiện. Ngay đêm đầu tiên vòng giấu mặt khán giả bắt đầu không hài lòng bởi quá nhiều bài hát nhạc ngoại lại tiếp tục được các thí sinh lựa chọn. Đến đêm thứ 2, dù có khá hơn nhưng 5/12 thí sinh vẫn chọn những bài hát “ngoại” để chinh phục 4 vị huấn luyện viên. Nếu không theo dõi ngay từ đầu, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một thi cỡ “quốc tế” vì thí sinh thích hát bài tiếng Anh còn huấn luyện viên cũng “khoái” nghe nhạc ngoại.

Không cần nói thêm gì nhiều nếu phiên bản Giọng hát Việt nhí năm nay không rơi vào lối mòn “Người Việt hát nhạc ngoại” như phiên bản của người lớn. Sự lạm dụng trong việc chọn các bài hát tiếng Anh để thể hiện của các thí sinh nhí qua các lần vừa phát sóng trên VTV3 đã khiến không ít khán giả thấy khó chịu đến… “không thể chấp nhận”. Hình ảnh các em nhỏ chỉ khoảng trên dưới 10 tuổi phải gồng mình hát những bài hát ngoại để “chiều lòng” các huấn luyện viên khiến nhiều người xem truyền hình phát bực. Đằng sau các em là cả một “ê kíp”, nhưng tiếc rằng “ê kíp” đó lại chỉ muốn các em hát những bài hát nhạc ngoại nổi tiếng theo sự tính toán của họ mà chưa chắc các em đã hiểu hết lời bài hát.

Mấy năm gần đây báo chí nói nhiều về “hiện tượng” các em nhỏ người Việt, sống ở Việt Nam, ba mẹ là người Việt chính gốc đang học ở các trường quốc tế nói tiếng Anh thì giỏi mà “quên” mất Tiếng Việt. Người ta kêu gọi người Việt phải giữ gìn bản sắc Việt, nhưng xem ra chương trình Giọng hát Việt lại nối gót những sai lầm trên. Phiên bản dành cho người lớn có những bài hát nhạc ngoại vẫn có thể phần nào chấp nhận, nhưng với phiên bản dành cho “con nít” thì điều đó là quá lố bịch.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hàng triệu trẻ em Việt quên lời bài hát “con cò bé bé” để bắt ba, mẹ, anh, chị dạy những bài hát nước ngoài để đi thi trên truyền hình?
 

Xuân Nha