Lập nghiệp và thành danh ở hải ngoại, nhưng danh ca Nhật Hạ luôn dành một tình cảm sâu sắc cho quê hương.

 

 

* Năm ngoái Nhật Hạ đã “hớp hồn” khán giả với liveshow “Thả tình” được đầu tư hoành tráng và công phu. Vậy trong lần về nước này chị sẽ tiếp tục mang đến cho công chúng những gì trong liveshow “Touch” sắp tới?

 

- Thực ra tôi chỉ góp mặt trong liveshow này với tư cách nghệ sĩ biểu diễn chính thôi, còn người đứng ra tổ chức là nhà báo Trần Trọng Tú, một người rất am hiểu và tâm huyết với nhạc điện tử đương đại. Đây là show âm nhạc đặc biệt theo trường phái kết hợp cổ điển và hiện đại trên nền nhạc điện tử phá cách. Các nhạc phẩm kinh điển của nhiều nước trên thế giới sẽ được phối lại theo một phong cách mới lạ nhưng không phá vỡ “tinh thần cổ điển” của bản chính như cách remix thông thường. Đây là một kỹ thuật hòa âm rất khó và tôi rất vui vì khán giả Việt Nam cuối cùng cũng có cơ hội được thưởng thức thể loại nhạc này.

 

* Đây là một dòng nhạc rất mới, liệu khán giả Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận thể loại này?

 

- Thật ra nói về đại chúng thì có lẽ là chưa sẵn sàng đâu, vì chưa bàn tới dòng nhạc thì bản thân các ca khúc được chọn cũng thuộc dạng rất kén người nghe. Nhưng tôi tin dòng nhạc nào thì cũng có người đồng cảm và biết thưởng thức. “Touch” dành cho những khán giả thực sự muốn thưởng thức một đêm nhạc “cao cấp” và thực sự trân trọng sự khổ luyện của người làm nhạc. Chỉ cần mỗi khán giả sau khi xem xong liveshow lại tiếp tục “quảng bá” dòng nhạc này đến với những người xung quanh họ thì trong một tương lai rất gần tôi tin “Contemporary Instrumental” (biểu diễn nhạc cụ đương đại - PV) sẽ sớm tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả.

 

* Tại sao lại lấy tên “Touch” cho liveshow?

 

- “Touch” dịch nghĩa nôm na là “chạm”, nhưng trong nhiều ngữ cảnh cũng được dùng để chỉ sự “rung động” khi đối mặt với một sự việc nào đó. Cái tên này thể hiện mong muốn của ê kíp sản xuất là mang đến một đêm nhạc có thể “chạm” đến trái tim của khán giả, để khi họ rời khỏi khán phòng thì cảm xúc vẫn vẹn nguyên.

 

* Ngoài chị ra thì còn những nghệ sĩ nào sẽ góp mặt trong đêm nhạc này?

 

- Tôi may mắn được làm việc với ê kíp toàn những người tài giỏi. Đầu tiên là anh Trần Trọng Tú, ngoài công việc làm báo thì còn là một bậc thầy trình diễn Keyboard Electone Stage A - nhạc cụ điện tử hiện đại và khó sử dụng bậc nhất châu Á. Ngoài ra còn có các anh chị nghệ sĩ dương cầm Lê Nhật Quang, tài năng vĩ cầm trẻ Sơn Mạch, danh ca người Úc gốc Việt Y Thanh, ca sĩ Minh Sang và nhóm nhạc Ayor trưởng thành từ các cuộc thi X-Factor, The Voice.

 

* Đến với “Touch” chị sẽ thể hiện những ca khúc nào?

 

- Tôi sẽ hát tổng cộng 5 ca khúc, gồm “If you go away”, “Rừng xưa đã khép”, “Viens M’Embrasser”, “Apres toi” và “Thả tình”. Trong các nhạc phẩm ngoại quốc đều có thêm phần lời Việt để những khán giả không hiểu tiếng nước ngoài vẫn có thể thưởng thức được. Các ca khúc này đều quen thuộc với khán giả nhưng trong liveshow này sẽ được thể hiện một cách mãnh liệt, dữ dội hơn theo phong cách nhạc kịch trên nền nhạc điện tử. Đây là lần đầu tiên tôi thử sức với một phong cách nhạc đột phá đến vậy.

 

* Cơ duyên nào đã mang chị đến với liveshow này?

 

- Âm nhạc chủ đạo trong “Touch” là nhạc kịch mà ở Việt Nam không nhiều người theo đuổi thể loại này. Còn tôi trưởng thành trong môi trường âm nhạc tại Mỹ nên rất quen thuộc với lối hát của Broadway nên đã được anh Trần Trọng Tú mời tham gia chương trình. Trước đây tôi từng được chọn vào vai chính của vở nhạc kịch “Miss Saigon”, nhưng hợp đồng lưu diễn 3 năm đã khiến tôi phải từ chối vì còn vướng bận chuyện gia đình. Đến với “Touch” lần này, tôi xem như mình có cơ hội để thỏa mãn một chút đam mê còn dang dở. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn mang đến cho khán giả một cơ hội để thưởng thức âm nhạc ở một “nấc” cao hơn.

 

* Chị đã thực hiện khá nhiều dự án âm nhạc ở Việt Nam. Vậy chị có nhận xét gì về tình hình âm nhạc của nước ta hiện nay? Có gì khác biệt so với lúc chị mới vào nghề không?

 

- Thị trường nhạc Việt Nam hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã có những thành tựu đáng nể. Có lẽ vì hiện nay môi trường âm nhạc rộng mở, internet phổ biến nên nghệ sĩ trẻ có cơ hội học hỏi từ thế giới bên ngoài nhiều hơn, giúp phong cách của họ cũng trở nên đa dạng hơn, không bị rơi vào lối mòn. Một điểm khác biệt nữa là các nghệ sĩ của ta hiện nay cũng đã chịu khó đầu tư vào phần “nhìn”. Lần đầu tiên về nước cách đây 7 năm, tôi thấy chúng ta chỉ chú trọng về phần âm nhạc còn công tác dàn dựng, thiết kế sân khấu, quay MV ca nhạc và các công tác quảng bá đều rất sơ sài. Không ngờ chỉ qua vài năm mà cách làm nhạc ở Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc: cũng có công ty làm truyền thông, công ty quảng cáo, cũng đầu tư tiền tỷ để quay MV, làm liveshow hoành tráng, chuyên nghiệp không thua nước ngoài. Tôi cho đây là một dấu hiệu rất tốt. Khi bạn có ý thức đầu tư cho sản phẩm của mình được chỉn chu có nghĩa là bạn đang tôn trọng khán giả và cống hiến cho nghệ thuật. Bởi tất cả mọi thứ rồi sẽ về với cát bụi, kể cả bản thân người nghệ sĩ, chỉ có tác phẩm của họ là sẽ còn tồn tại mãi với thời gian.

 

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện rất thú vị.

 

Theo Người tiêu dùng

.