Phở Hà Nội và bún bò Huế "di cư" vào Sài Gòn đã làm cho hủ tiếu bớt đi phần nào vị trí thống trị. Phở thì có vẻ hơi "khó tính" một chút, tức là hàng quán phải tươm tất, thành phần tô phở hùng hậu nên giá bán cũng khá cao. Còn với món bún bò thì tiệm sang cũng có, mà bình dân trong hang cùng ngõ hẻm cũng có.

 


“Nhiều người nấu là để bán, tui nấu là để thỏa sức và thỏa hồn, chăm chút hết sức cho nồi bún nên không thể nào nấu khác đi được”, chị Út chia sẻ.

Nếu tới số nhà 6C Tú Xương (quận 3), bạn sẽ thấy một gánh bún đúng kiểu Huế, với nồi nấu bún là loại nồi nhôm đáy tròn, cổ eo, miệng loe nhưng thân phình to. Kiểu nồi này xuất hiện vào thập niên 60 ở Huế, thay thế cho nồi đất ngày trước.

Nồi sâu lòng nhưng nhỏ miệng nên giữ nhiệt rất tốt. Điểm thú vị là khi bán hết, chỉ cần nghiêng nồi lúc nước gần cạn hết vẫn có thể múc được đến tô cuối cùng. Cái nồi trông nhỏ nhắn mà dường như múc vô tận, chỉ cần chao cái muôi là múc được đủ thứ trong lòng nồi: miếng giò heo, miếng huyết, cục thịt bò gân hay miếng giò viên...

Khách sành ăn món Huế thường tìm gánh bún nào có chiếc nồi này vì họ cho rằng nấu nồi đó bún bò mới ngon. Bởi vậy chiếc nồi là tài sản vô giá của người nấu bún bò Huế.

Chị Út cho biết, bún bò Huế khởi thủy rất đơn giản, chỉ có giò heo và bò bắp hầm mềm, không ăn kèm rau, giá như bây giờ. Bà nội chị trước đây vẫn bán thêm cả giò sống - chả lụa viên tròn (thịt nạc heo quết nhuyễn trong cối đá với nhiều tiêu hạt).

Nồi bún hiện tại của chị Út có đủ thứ mà người Huế hiện đại cần: chả lụa, chả cua, giò heo, bắp bò, huyết (bún bò Nam không nấu với huyết heo), có cả bò tái và chả bò tùy theo sở thích của khách. Để tăng thêm độ ngọt cho nước lèo, chị Út còn dùng thêm cả xương đầu heo.

Đi tìm tô bún Huế đích thực ở Huế thời nay cũng đã khó rồi, huống chi ở Sài Gòn. Ngay cả người Huế cũng rất tranh cãi khi nói về bún bò Huế đích thực.

Có lẽ, nên dẫn lời của một người con xứ Huế nặng lòng với quê hương dù đang là giảng viên đại học trên đất Mỹ Trần Kiêm Đoàn:

“Theo thời gian và không gian, bún bò Huế có lúc và có nơi chỉ còn là một cái tên nhưng phẩm chất, đặc tính, mùi vị... đã hoàn toàn biến đổi. Nhiều người vẫn tẩn mẩn tự hỏi, không biết tô bún bò Huế thời vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và tô bún thời vua Bảo Đại thoái trào năm 1954 có gì khác nhau trong cung đình và ngoài phố chợ.

Có điều rõ ràng là khách ăn bún Huế sẽ cảm thấy tô bún An Hoà khác hẳn tô bún An Cựu, nơi nầy có thêm lát chả, nơi kia có thêm miếng huyết, nơi nọ có chút rau thơm và chuối cây xắt mỏng lơ thơ. Càng đi xa, tô bún ở Đà Nẵng không giống tô bún Sài Gòn; tô bún Huế Ca-li khác xa tô bún Huế Texas”.

Bàn về ẩm thực, 9 người 10 ý, nên thường gây tranh cãi về độ ngon và tính chính thống của món ăn. Nhưng thôi, mảnh đất Sài Gòn đã cho bạn quá nhiều lựa chọn. Vì vậy cũng không quá khó để tìm được tô bún bò rất "Huế" giữa lòng thành phố đa văn hóa này.

Bún bò Út Hưng, 6C Tú Xương, phường 7, quận 3
Mở cửa: từ 6h30 đến tầm 9, 10h sáng
Giá: Bún bò (45.000đ/tô), cơm hến, bún hến (30.000đ/phần)


Theo Sài Gòn ẩm thực

.