Trong chuyến công tác thăm trang trại ở một xã miền núi thuộc TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), chúng tôi được chủ trang trại thiết đãi các món ăn chế biến từ lợn hương, một loại lợn đặc sản có hương vị đặc biệt, khiến thực khách khó quên.

leftcenterrightdel
 Thịt lợn hương chắc, bì dày, có hương thơm tự nhiên, hấp dẫn thực khách


Sở dĩ có tên gọi là lợn hương bởi thịt lợn có mùi thơm nhẹ, rất riêng. Theo tìm hiểu, lợn hương là vật nuôi được một số trang trại trên địa bàn tỉnh đưa vào nuôi thử nghiệm mấy năm gần đây. Đây là giống lợn bản địa quý hiếm, có nguồn gốc từ một số địa phương vùng núi phía Bắc.
 
Do sống ở vùng núi cao hiểm trở, việc thông thương rất khó khăn, người dân địa phương chỉ giao dịch, trao đổi hàng hóa tại chợ phiên, do đó lợn hương chưa bị lai tạp nhiều. Hơn nữa, so với các giống lợn bản địa khác, thịt lợn hương có mùi thơm đặc trưng riêng, nên được người dân địa phương gọi là lợn hương.
 
Lợn hương có nhiều đặc điểm tương ứng với lợn rừng, thịt mềm, ngọt, đặc biệt thịt có mùi thơm rất riêng biệt. Về ngoại hình lợn hương trông gần giống với lợn Móng Cái, thân ngắn, tròn, lông dài, đuôi nhỏ, da dày, thịt chắc. Giống lợn này có lớp mỡ mang mùi thơm tự nhiên... Là giống tự nhiên hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bệnh dịch dễ nuôi và không kén thức ăn.

leftcenterrightdel
 Lợn hương được nuôi theo hình thức bán chăn thả, tự tìm thức ăn
Ông Đinh Văn Ảnh, một quản lý trang trại ở TP Cẩm Phả chia sẻ, với nguồn gien quý, cách chăn thả theo hướng bán tự nhiên cũng là yếu tố tạo nên chất lượng thơm ngon của lợn hương. Thông thường, ngoài khẩu phần thức ăn riêng, phần lớn lợn hương được chăn thả bán tự nhiên ở không gian rộng, như: Ngoài vườn, trên đồi... để lợn tự vận động, tự đào bới tìm kiếm thức ăn. Khẩu phần ăn của lợn hương cũng tương đối đặc biệt. Lợn hương thường ăn rất nhiều các loại cây, rau hoặc dược liệu... Đó chính là yếu tố giúp lợn hương chắc, thịt thơm ngon hơn.
 
Lợn hương thịt chắc, giòn, ngọt, có thể chế biến nhiều món ăn như lợn thông thường. Đặc biệt món lợn hương khi được chế biến món luộc, lớp bì dày, lớp mỡ dưới da khi luộc chín săn lại, có độ giòn sần sật, hương thơm phảng phất. Điểm riêng biệt nhất là các món ăn từ lợn hương đều có vị thơm dịu... như mùi lá nếp, khiến thực khách dễ bị cuốn hút hơn.
 
Cũng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn hương cung cấp một lượng lớn chất đạm cần thiết khá cao, với đủ các loại acid amin thiết yếu mà cơ thể cần. Mỡ lợn là chất béo ít bão hòa hơn mỡ bò nhưng có cùng lượng cholesterol.
 
Lợn hương là loại thực phẩm cao cấp được nhiều người ưa chuộng, thường được người sành ăn ví như thịt cày hương. Trên thị trường, lợn hương có giá cao, trung bình khoảng 250.000-300.000 đồng/kg.
 
Theo Tạ Quân (Báo Quảng Ninh)