Bánh khọt Vũng Tàu, bánh tráng An Ngãi, bánh hỏi An Nhứt, bún Long Kiên, bánh tét bắp Đất Đỏ, rượu Hòa Long, mứt hạt bàng Côn Đảo... lâu nay đã làm say lòng biết bao du khách khi đến với BR-VT. Khi xuân đang về, Tết đang đến, không thể không nhắc đến những món ngon dân dã này.

Theo người dân huyện Đất Đỏ, trong kháng chiến, bắp dùng làm lương thực nuôi quân; trong thời kỳ đất nước thiếu hụt lương thực bắp cũng là một trong những nguồn lương thực chính. Ngày nay nhân dân địa phương vẫn xem bắp ngang với cây lúa. Từ bắp người ta chế biến thành nhiều món ăn như: bắp nấu, bắp nướng, chè bắp, xôi bắp, bắp rang bơ… và bánh tét bắp là một sản phẩm độc đáo được người Đất Đỏ ưa thích.

Bánh tét bắp được người dân khu phố Thanh Tân làm khá đơn giản. Bà Tô Thị Kiều có gần 50 năm kinh nghiệm gói bánh tét bắp cho biết, bắp làm bánh phải hạt trắng, vừa già và mới thu hoạch mới ngon. Hạt bắp xay nhuyễn trộn với gia vị, gói với lá chuối thành từng đòn, mỗi đòn bánh tét bắp chỉ dùng khoảng 1/2kg nếp rồi đun 1,5 tiếng đồng hồ là vừa ngon. Bánh tét bắp vừa mềm, vừa dẻo vừa có vị ngọt của bắp. “Giống như bánh chưng, bánh tét cũng tượng trưng cho ước nguyện vuông tròn trong năm mới. Bánh tét bắp Đất Đỏ cũng hội tụ cả ý nghĩa tròn đầy và dẻo ngọt, thơm ngon”, bà Kiều cho biết.

Hạt bàng Côn Đảo

Có lẽ ngoài Côn Đảo, thì không ở nơi đâu có món mứt hạt bàng. Đây là món đặc sản được nhiều du khách ưa thích và mua về làm quà để kỷ niệm một lần đến Côn Đảo. Mứt hạt bàng Côn Đảo có hai loại, mặn và ngọt, được rang với muối hay với đường. Người ta lượm từng quả bàng chim ăn rụng, đem về phơi khô chừng bốn năm nắng rồi dùng dao đập vỏ tách lấy hạt. Mất vài giờ đồng hồ vừa chẻ vừa vừa tách trái bàng, dùng tăm khều lấy hạt ra cũng chỉ được vài trăm gam hạt. Sau đó đem rang lên cho khéo để có được những hạt mứt bàng mập mạp đều nhau. Hạt bàng sau khi tách ra có màu nâu thẫm như màu gỗ, cắn ra làm đôi sẽ thấy từng lớp màu trắng ngà bên trong xếp cuộn vào nhau như từng vòng đời của cây. Hạt bàng rang có vị bùi bùi.

Những ngày Tết, thay vì hạt dưa, hạt dẻ, người Côn Đảo vẫn đãi khách bằng mứt hạt bàng. Giá bán mứt hạt bàng khá cao, 45.000 đồng/lọ 200 gram và 55.000 đồng cho lọ mặn cùng trọng lượng. Vào lúc trái mùa, thời tiết khắc nghiệt, mứt hạt bàng có khi lên đến 500.000 đồng – 600.000/kg nhưng vẫn không có đủ bán.

Bánh khọt

Một món “quà quê” hấp dẫn nữa của BR-VT là bánh khọt. Bánh khọt có mặt khắp nơi suốt dải đất Tuy Hòa – Phú Yên, Nha Trang – Khánh Hòa vào đến tận các tỉnh Bến Tre, An Giang… Tuy nhiên, chỉ tại TP. Vũng Tàu, bánh khọt mới thực sự trở nên nổi tiếng. Bánh khọt ngon phải vừa giòn vừa dai, mỗi chiếc vừa tròn bằng miệng ly uống trà, trong lòng mỗi chiếc bánh rắc lá hành xắt nhỏ, và đính một con tôm lột vỏ, ăn kèm rau và nước chấm đủ vị mặn ngọt chua cay. Ngày Tết, các hàng quán khác có thể đóng cửa nhưng các quán bánh khọt vẫn đông khách, đặc biệt là khách du lịch.

Năm 2012, bánh khọt Vũng Tàu cùng với 11 món ăn ngon của các địa phương khác ở Việt Nam đã được xếp vào kỷ lục 12 món ăn ngon châu Á. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, quản lý, khai thác thương hiệu sản phẩm bánh khọt của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bao gồm: Thiết kế logo, đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước, quy chế sử dụng nhãn hiệu, đề xuất cơ quan quản lý và đơn vị được khai thác.
 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.