|
|
Phở khô Gia Lai Hồng hấp dẫn thực khách gần xa. |
Khác với phở Bắc, phở khô Gia Lai (hay còn gọi là “phở hai tô”) có cách chế biến và cách ăn riêng. Trong đó, con phở nhỏ dai tựa sợi hủ tíu được làm bằng một loại gạo của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Đặc biệt, phở khô Gia Lai muốn ăn phải dùng hai tô, một đựng phở, một đựng nước lèo. Trong đó, tô phở khô ngoài phở còn có thêm giá chần, rắc chút hành phi thơm vàng, điểm xuyết vài thìa ớt đỏ, tùy khẩu vị mỗi người mà có thể chế thêm tương đen, xì dầu, tương ớt, chanh, giấm cho vừa vặn.
Người ăn sẽ thưởng thức phở bằng cách trộn đều tô phở, ăn một miếng, dùng muỗng húp một ngụm nhỏ nước lèo, ăn kèm rau sống chấm với nước tương đen. Theo lời chủ quán, ngoài nước lèo thì một yếu tố không thể bỏ qua để tô phở ngon hơn chính là tương đen, loại tương được lên men từ đậu nành có vị mặn, ngậy béo, ngọt.
Đây được xem là thứ nguyên liệu bí mật tạo nên hương vị khó quên cho món phở khô Gia Lai. Dù chỉ là gia vị ăn kèm, nhưng nếu thiếu tương đen, thực khách sẽ cảm thấy món ăn như mất ngon đi quá nửa.
Với hương vị độc đáo, phở khô Gia Lai đã được truyền bá rộng rãi khắp nơi. Tại Đà Nẵng tuy có nhiều quán nhưng phở khô Gia Lai Hồng vẫn được xem là nơi chế biến món này có hương vị đặc trưng nhất.
Món phở của quán ngoài nước lèo thịt bò còn có nước lèo thịt gà, xương heo… tùy yêu cầu của khách và hầu hết đều thơm ngon, hợp khẩu vị. Không gian quán cũng thoáng rộng, sạch sẽ, nhân viên nhanh nhẹn nên dù giá không hề rẻ (40 - 45 nghìn/tô) nhưng người ăn vẫn luôn đông đúc.
Giữa không gian phố phường, ăn tô phở khô Gia Lai Hồng để cảm nhận vị béo của bánh, vị bùi, mặn của tương đậu, xì xụp húp một muỗng nước súp nóng hổi, thơm phức và tận hưởng vị ngọt của miếng thịt bò non vừa chín tới, một cảm giác thật khó tả.
Có lẽ vì vậy, mà phở khô Gia Lai là một trong mười đặc sản Việt Nam được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á, mang lại niềm tự hào không chỉ cho Tây Nguyên mà cả nền ẩm thực Việt Nam.
Theo Gia Khang (Báo Quảng Nam)