Mắm còng là một trong những món ăn đặc sản của vùng Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nghe tên đã lâu nhưng mãi đến lần về thăm một người bạn hồi tháng trước, tôi mới được thưởng thức. Đúng như mọi người nhận xét là ngon hết sẩy!

 
 
Người ăn dùng bánh tráng cuốn một ít rau sống như cải bèo, quế, dấp cá, khế chua, chuối chát… cùng những lát thịt heo luộc còn nóng rồi chấm với mắm còng thì khỏi chê vào đâu được.
 
Theo lời giới thiệu của người địa phương, mắm còng làm cũng rất công phu. Sau khi còng được bắt về phải mang rửa cho thật sạch. Sau đó, từng cái yếm, miệng còng đều được nặn hết đất rồi để cho thật ráo.
 
Tiếp theo, người ta mang đi giã nhuyễn, bỏ thêm chút muối và cơm nguội vào thì mắm mới ngon. Khi còng đã được giã nhuyễn sẽ được vắt cho nước cốt và thịt còng chảy ra.
 
Nước còng có màu đen đen, sền sệt với mùi hăng hăng được mang ra nắng phơi. Phơi khoảng 3 ngày nắng tốt là mắm đã chín. Trong lúc phơi, mắm cần được khuấy thường để chín đều. Còn vỏ còng sau khi vắt xong, nhiều người mang phơi khô rồi giã nhuyễn trộn lại vô mắm còng để giúp mắm đặc sánh hơn.
 
Có rất nhiều loại còng dùng làm mắm. Nhưng người ta hay chọn bắt còng Ta, còng Lửa và còng Quều vì còng Ta và còng Lửa cho hương thơm, còn còng Quều lại cho thịt nhiều nên sẽ giúp mắm sánh đặc.  
 
Được bạn cho hũ mắm còng mang về, lâu lâu mẹ tôi lại mang ra làm món bánh tráng cuốn thịt luộc, ăn cùng canh chua bông so đũa, hoặc chỉ đơn thuần làm nước chấm với rau lang luộc nhưng cũng ngon không thể tả…
 
Thanh Niên
.