Sinh ra và lớn lên ở xã Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu, học sinh Lê Quốc Đạt (lớp 12A1 Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ) đã chứng kiến nhiều vụ xoài của gia đình và những hộ dân xung quanh bị thương lái ép giá, cũng như tình trạng xoài “được mùa mất giá”. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua ở Phú Lý nói riêng và trên cả nước nói chung khiến Đạt không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.

 

Sinh ra và lớn lên ở xã Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu, học sinh Lê Quốc Đạt (lớp 12A1 Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ) đã chứng kiến nhiều vụ xoài của gia đình và những hộ dân xung quanh bị thương lái ép giá, cũng như tình trạng xoài “được mùa mất giá”. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua ở Phú Lý nói riêng và trên cả nước nói chung khiến Đạt không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.
Học sinh Lê Quốc Đạt (bìa trái) trong một giờ học thực hành tại trường. Ảnh: H.Dung


Hè năm học lớp 11, khi được nhà trường phổ biến về cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Đạt nghĩ ngay đến việc cần phải làm gì đó để biến những trái xoài của quê mình thành sản phẩm có giá trị cao. Đạt lên mạng tìm hiểu thông tin về những sản phẩm được tạo nên từ xoài, sau đó quyết định lựa chọn sẽ tạo ra sản phẩm rượu vang từ xoài và men rượu gạo.

Đạt chia sẻ, qua tìm hiểu được biết các loại rượu vang hiện nay được làm từ nguyên liệu đắt tiền như nho, đa phần là rượu ngoại với giá cao. Trong khi đó, xoài có hàm lượng glucose và nhiều chất có thể chuyển hóa thành glucose và lên men rượu được. Nếu sản phẩm này thành công không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng mà còn tránh được vấn đề ô nhiễm môi trường do người dân không muốn thu hoạch xoài vì giá cả thấp.

để có rượu vang ngon, Đạt lên mạng tìm kiếm và học hỏi những công thức làm rượu vang. Nguyên liệu lựa chọn từ những trái xoài chín vừa phải, không bị giập nát, được gọt vỏ, bỏ hạt, chỉ lấy phần thịt, đem cắt hạt lựu rồi cho vào hũ. Xen kẽ một lớp xoài là một lớp men (đã được tán mịn) và một lớp đường. Đậy hũ thật kỹ, lấy băng keo quấn quanh miệng hũ để tránh không khí xâm nhập vào. Hũ sản phẩm này phải được bảo quản ở nơi có nhiệt độ từ 25-30OC để xoài lên men được tốt nhất. Loại men được sử dụng cũng phải phù hợp với xoài. Cả xoài và men đều phải được bảo quản sạch sẽ.

Sau quá trình nửa tháng thử nghiệm tỷ lệ xoài, đường, men khác nhau, Quốc Đạt thu được những kết quả khác nhau. Trong đó, kết quả thu được tốt nhất là cứ 100g xoài chín đem ủ với một viên men và 20g đường, trong điều kiện hoàn toàn kỵ khí. Sau khi lên men xong, đem sản phẩm lọc bỏ phần bã bằng vải mùng nhiều lớp rồi đóng chai có nắp kín  tạo điều kiện môi trường kỵ khí, rồi tiếp tục ủ thì thu được rượu vang.

Ngày sản phẩm được “ra lò”, Đạt mừng lắm. Đạt báo tin cho thầy cô giáo, cha mẹ, các bạn và mời mọi người uống thử sản phẩm. Ai cũng khen ngon, mùi vị giống với mùi rượu vang bình thường. Để kiểm chứng, Đạt đã đem sản phẩm thu được đến phòng kiểm nghiệm hóa - lý - vi sinh của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm, kết quả cho thấy sản phẩm rượu vang xoài đạt yêu cầu. Và giải ba trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016 chứng tỏ sự ghi nhận của đội ngũ chuyên gia, ban giám khảo của cuộc thi về sản phẩm mang tính ứng dụng cao của Đạt.

Thầy Thái Văn Bé Năm, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ, vui mừng chia sẻ: “Đây là năm học đầu tiên nhà trường thử sức ở cuộc thi này. Từ 14 sản phẩm dự thi cấp trường, chúng tôi đã lựa chọn được một dự án tham gia thi cấp tỉnh. Là trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhưng học sinh trong trường đã rất chịu khó tìm tòi, sáng tạo. Điều này được các giáo viên tích cực ủng hộ và tận tình chỉ bảo. Chúng tôi hy vọng sản phẩm rượu vang xoài của Lê Quốc Đạt sẽ được nhiều người biết đến, được nhân rộng để giúp người dân ở Phú Lý có đời sống cao hơn”.

 

Theo Báo Đồng Nai

.