Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là một vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa nơi miền Tây Nam Bộ. Đất đã làm nên hồn người và còn kết tinh nên hương vị cho món hủ tíu Sa Đéc.

Chúng tôi tìm đến quán hủ tíu Mỹ Ngọc ở phường 2, quán hủ tíu tồn tại gần nửa thế kỷ ở Sa Đéc. Bà chủ Nguyễn Thị Nương chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển về đây vào năm 1970 với nghề hủ tíu gia truyền từ Nam Vang (Campuchia). Bà và mẹ tôi đã kết hợp với khẩu vị riêng của người dân Sa Đéc cùng sợi hủ tíu truyền thống nơi đây để tạo nên hương vị riêng cho thương hiệu hủ tíu của mình. Tôi năm nay đã 65 tuổi và con gái tôi là thế hệ thứ 4 vẫn tiếp tục theo nghề hủ tíu…”.

leftcenterrightdel
Tô hủ tíu Sa Đéc đặc trưng với nhiều tôm, thịt heo cắt lát, thịt bằm, mực, hành phi… trang trí thật bắt mắt. 
leftcenterrightdel
Đông đảo thực khách thưởng thức món hủ tíu Sa Đéc của quán Mỹ Ngọc. 

Theo bà Nương, hủ tíu Sa Đéc ngoài lợi thế từ sợi hủ tíu tươi dai, ngon được sản xuất ngay tại địa phương còn có bí quyết là nước dùng. Để nấu được nồi nước dùng hấp dẫn cho món hủ tíu Sa Đéc cần các nguyên liệu cơ bản là xương ống, tôm khô, khô mực, củ sắn. Tuy vậy, chất lượng nước dùng ngon hay không lại còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu qua khâu nêm nếm và quá trình gạn bọt cho thật kỹ trong lúc hầm. Bà Nương tiết lộ, xương ống và khô mực chính là hai nguyên liệu quyết định hương vị cho món hủ tíu Sa Đéc.

Thưởng thức tô hủ tíu nóng hổi trong buổi chiều êm ả giữa lòng thành phố Sa Đéc hoài cổ càng tăng thêm hương vị ngọt ngào mà đậm đà của món ăn, vốn dĩ là sự hòa quyện của tình người, tình đất nơi đây. Du khách có thể chọn cho mình hai cách để thưởng thức hủ tíu Sa Đéc là khô và nước. Mỗi một cách thưởng thức mang lại một hương vị khác nhau, nhưng hơn cả là vị tươi ngon của sợi hủ tíu dai, vị ngọt ngào của nước dùng hay nước sốt từ xương ống, vị thơm của khô mực, hành phi, tôm, thịt… Tất cả hòa lại thành một thứ hương vị không thể lẫn vào đâu được, thật khó quên cho bất cứ ai đã từng thưởng thức món hủ tíu Sa Đéc.

Sơn Nghĩa/Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+