Không cần phải đến tận Nha Trang, Đà Nẵng, khách hàng vẫn có thể thưởng thức các món đặc sản tại đây sau 2 -3 ngày đặt hàng trên Facebook. Mạng xã hội này dần trở thành một khu chợ tấp nập với đa dạng các loại mặt hàng.
 


Những người buôn đặc sản thường phải có người quen hoặc mối tin tưởng để chọn được nguồn hàng tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, giá cả phù hợp. Những người bản xứ buôn hàng tận gốc, mua trọn cả cây sau đó gửi về cho chủ buôn với số lượng đã đặt sẵn. Như vậy, chủ buôn sẽ phải trả tiền hàng, tiền môi giới mua hàng mà không phải bỏ chi phí, công sức đi lại nhiều.

Các chủ buôn hàng trên mạng xã hội này đều phải thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm với khách hàng. Họ phải thông báo, đăng quảng cáo tại các nhóm dành riêng cho mua bán, thanh lý... Kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội này, chủ buôn sẽ không mất nhiều chi phí quảng cáo, lượng người sử dụng và cập nhật thông tin lớn, hình ảnh sinh động. Đồng thời, họ cũng phải có những chiêu kích cầu hay giữ chân khách hàng, cạnh tranh: giá cả hợp lý, miễn phí giao hàng với những địa điểm trong vòng 2km, mua nhiều, mua chung số lượng lớn với các chị em cùng văn phòng...

Một chủ buôn cho biết, phải kinh doanh linh hoạt, mùa nào thức nấy để phục vụ khách hàng. Lượng khách đặt hàng tăng giảm thất thường, có vụ thì lãi kha khá nhưng ai biết cho những lúc kinh doanh ế ẩm. Có đợt trời mưa kéo dài 3 hôm, chị ế đến 50 kg bơ sáp. Những chỗ ấy chị phải bán giảm giá thậm chí phải mang ra chợ bán rẻ như các loại bơ khác. Hoặc có những lần người thu mua chọn lô hàng chưa chuẩn cũng phải "khai" trung thực với khách hàng và bán giá ưu đãi vì không thể chuyển hoàn.

Theo Nhật An
VnExpress

.