Trong suy nghĩ của tôi trước đây, cơm tấm chỉ dành cho những viên chức, người lao động muốn ăn no chắc dạ để lấy sức đi làm, để tránh tình trạng “kiến bò bụng” trước giờ trưa. Nhưng tôi đã lầm. Quán cơm tấm bà Phượng ở đường Lý Tự Trọng (quận 1) mới 6h sáng đã đông các bạn trẻ, có cả gen Z ăn mặc “mô đen” ngồi ăn ngon lành. Bà Phượng nay đã trên 70 tuổi, bán hàng được nửa thế kỷ bảo tôi rằng quán cơm tấm mở bán từ 2 giờ sáng đến 11 giờ trưa, mà khách còn muốn bà bán từ chập tối hay nửa đêm, nhưng bà không đủ sức.

leftcenterrightdel
 Quán cơm tấm bà Phượng ở đường Lý Tự Trọng (quận 1). Ảnh: Việt Văn

Dĩ nhiên, để cơm tấm Sài Gòn được nhiều khách chọn ăn, kể cả du khách quốc tế, thì thành phần cũng phải thay đổi. Cơm tấm với sườn nướng, trứng ốp la, chả trứng hay bì heo… kèm theo dưa leo (dĩ nhiên) và chén canh nhỏ - với giá 50-60K là sự lựa chọn hợp lý. Và khách đến với quán bà Phượng còn bởi nụ cười luôn nở trên môi, sự thân thiện bà dành cho dù là khách cỡ nào. Bà bảo quán cả năm đóng cửa vì COVID, giờ mở lại đông khách là quý, thế nên càng phải giữ khách.

Thấy tôi chụp ảnh, bà cười hỏi có gửi vào zalo cho con trai bà được không. Và sáng hôm sau khi nhận được ảnh, bà bảo muốn đãi tôi một đĩa cơm miễn phí. Tôi nhớ lại hành động của một anh chàng xe ôm ở Bình Thuận năm nào đi với nhau cả tuần, ngày cuối cũng muốn chở tôi một chuyến đi miễn phí. Dĩ nhiên là tôi vẫn trả tiền họ nhưng điều đó làm tôi thấy ấm lòng. Sự hào phóng, thân thiện của con người Việt Nam chính là một điểm cộng để thu hút du khách đến nước ta.

Theo Báo Lao động