Vì nghe theo tin đồn chè khúc bạch hấp dẫn nên nhiều người đổ xô đi ăn.

 


Điều đáng nói là, chè khúc bạch chỉ hấp dẫn đối với lứa tuổi thanh niên và cận trung niên. Lứa tuổi thiếu niên và người già gần như không quan tâm thậm chí là không thích.

Bạn Tạ An Duy - sinh viên Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, vì mọi người nói nhiều đến chè khúc bạch, thấy giá vừa phải nên rủ bạn gái đi ăn. Cũng thấy không khí thích thú và mới lạ, còn thực tế loại chè này cũng rất bình thường.

Bạn Hồng Phượng, học sinh lớp 9 trường Lương Thế Vinh - Hà Nội cho biết: "em chẳng thích chè khúc bạch tí nào vì nó có vị ngọt khó ăn, không giống trà sữa trân châu mà em và các bạn thường ăn".

Một nhóm bạn đồng nghiệp tuổi từ 35 - 40 công tác tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam rủ nhau đi ăn chè khúc bạch về "phán" rằng, ăn để cho biết còn biết rồi chắc chẳng muốn ăn lần sau. Lý do được đưa ra là loại chè này ăn thấy cũng rất bình thường mà giá lại khá cao. Thông thường giá từ 20 - 30 ngàn đồng/bát. Trong khi đó, có rất nhiều loại chè truyền thống, với nhiều hương vị, nhiều nguyên liệu hấp dẫn, giá chỉ từ 10 - 15 ngàn đồng/cốc.

Theo các chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi làm chè khúc bạch, người làm nên chọn những nguyên liệu sạch, đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe. Việc tạo viên khúc bạch cho món chè khúc bạch nên làm lượng vừa phải bởi khi làm quá nhiều, để lâu ngày rất dễ là điều kiện để cho vi khuẩn thâm nhập.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có loại đường siêu ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ cần cho một thìa đường siêu ngọt có thể chế được tới cả 20 lít nước đường. Loại đường này nếu không đảm bảo an toàn, chưa được kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng sẽ nguy hại tới sức khỏe.
 

Theo Hồng Anh
VietQ

.