Cháo gà nòi nấu sa tế
Cập nhật lúc 22:31, Thứ năm, 29/08/2013 (GMT+7)
Mỗi dịp rảnh rỗi, tôi và vài người bạn thường rủ nhau ngao du vùng sông nước miền Tây, cũng là dịp thưởng thức các món ăn dân dã độc đáo. Có một món tôi nhớ mãi và mong có dịp thưởng thức nữa là cháo gà nòi sa tế ở cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. (sa tế, gà nòi, cháo gà, cù lao Ngũ Hiệp)
Mỗi dịp rảnh rỗi, tôi và vài người bạn thường rủ nhau ngao du vùng sông nước miền Tây, cũng là dịp thưởng thức các món ăn dân dã độc đáo. Có một món tôi nhớ mãi và mong có dịp thưởng thức nữa là cháo gà nòi sa tế ở cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
Gà nòi ở vùng này được nuôi rất nhiều, thường làm gà đá. Chúng thường được người nuôi chăm sóc rất kỹ, thậm chí chỉ cho ăn thịt bò, tôm hay lươn con... chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ. Thịt của loại gà này rất săn chắc và nhiều chất dinh dưỡng, da chúng đỏ au so với loại gà thường và hình dáng chúng trông rất oai phong. Khi một con gà nòi nuôi như thế mà lúc đem đi thi đấu lại thua, người nuôi chúng thường mang về bán rẻ (chứ họ không làm thịt để ăn) và chúng trở thành một món ăn ngon. Trong dịp về nhà người bạn lần này, tôi được gia đình chị ấy đãi một bữa cháo gà nòi sa tế no nê, đến bây giờ nghĩ lại còn thèm.
Sau khi gà được cắt cổ, nhổ lông làm sạch, để ráo vài phút thì chị ấy đem chặt ra từng miếng vừa ăn, rồi đem gà ướp với gói sa tế mua ở tiệm tạp hóa gần nhà. Sau đó cho vào thêm một ít tỏi và gia vị để cho gà ngấm đều khoảng 15 phút.
Chị biểu tôi vào trong khạp lấy một lon gạo đem đi rang vàng trên bếp than hồng, để khi đem nấu cháo hạt gạo sẽ mau nở. Gạo rang vàng xong, tôi cho thêm nửa chén đậu xanh trộn chung vào rồi đem vo lại cho sạch và bắc lên bếp nấu cho đến khi cả gạo và đậu xanh nhừ ra.
Cũng trong thời gian này, gà đã thấm gia vị, chị ấy đem chảo bắc lên bếp cho nóng rồi bỏ dầu vào khử vài tép tỏi cho thơm. Sau đó, bỏ thịt gà vào xào cho săn lại rồi vặn nhỏ lửa vì gà nòi thịt rất dai và da rất dày, cần phải để lửa riu riu gà mới chín và thấm gia vị. Cứ như thế 40 phút sau thì gà sẽ mềm và thịt có vị thơm, cay nồng của sa tế lan tỏa khắp bếp.
Lúc này, nồi cháo đậu xanh cũng đã chín, tôi đem chảo gà đã xào sa tế bỏ vào nồi cháo, nêm nếm lại cho vừa ăn rồi rắc hành lá thái nhỏ và tiêu vào cho thơm. Tiếp tục để nồi cháo gà này trên bếp với lửa nhỏ riu riu. Nhìn trên mặt nồi cháo lúc này, lớp váng của mỡ gà xào sa tế, màu xanh của từng cọng hành xắt nhuyễn, màu vàng sa tế của những miếng thịt gà săn bóng lại. Chưa dọn lên bàn mà chỉ nhìn thấy và ngửi qua hương vị hấp dẫn của nồi cháo, mọi người cũng đã thấy bụng đói cồn cào rồi.
Món cháo này, thức chấm đi kèm phải là muối hột giã nhuyễn với ớt xanh hái sau vườn nhà vì ớt xanh khi chấm thịt gà thì có mùi thơm hơn ớt chín. Và có thêm bắp chuối xắt mỏng trộn chua ngọt ăn kèm thì bạn mới cảm nhận hết vị ngọt của thịt gà, vị cay cay nồng của sa tế và vị bùi bùi của đậu xanh nấu kèm.
Theo Nguyễn Kim Oanh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
.