(BVPL) - Quê tôi, một dải đất hẹp miền Trung, cứ mỗi khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi thì mấy ngày sau đó nước từ thượng nguồn đổ về, không chỉ mang theo phù sa bồi đắp cho đôi bờ xanh bãi mía nương ngô mà còn đem đến cho cư dân ven sông nhiều loài cá nước ngọt.
 


Theo y học cổ truyền, cá diếc còn có tên tức ngư, phụ ngư, thân dẹt, dài khoảng 15-30 cm, đầu và đuôi thuôn, miệng hướng lên trên, mắt có viền màu đỏ, lưng nhô cao, toàn thân màu bạc. Cá diếc có nhiều cách chế biến như kho nghệ, kho tương, làm gỏi, nấu canh với rau răm, nhưng mẹ tôi thì thường nấu với lá ngải cứu.

 

Lúc đầu ăn không quen thấy hơi đăng đắng ngai ngái, nhưng dùng lâu cảm giác rất thích thú, có khi đâm “ghiền”. Khi nấu, mẹ chọn 3-4 con (bằng cỡ 3 ngón tay) kèm theo một mớ lá ngải cứu. Sau khi làm sạch cá, cho vào nồi luộc cùng với ít gừng để khử mùi tanh. Cá chín vớt ra, gỡ phần thịt để riêng, xương và đầu giã nhỏ lọc lấy nước rồi trút vào nước luộc cá. Cho dầu vào chảo, phi hành thơm lên, trút phần thịt cá vào, nêm gia vị (bột ngọt, nước mắm, tiêu), đảo đều cho đến khi thấy thịt cá săn lại và tỏa mùi thơm.

 

Tiếp đến đun sôi lại nước luộc cá, cho rau ngải cứu đã rửa sạch vào, sau đó trút phần thịt cá vào, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp; múc ra bát cho thêm vào ít húng ngò và tiêu bột là có ngay một tô canh nóng hổi, thơm ngon. Cảm giác hăng hăng của mùi ngải cứu, vị ngọt thanh của cá sẽ làm toát mồ hôi và đầu óc trở nên nhẹ nhõm vô cùng...
 

Theo Thanh niên

.