Cứ vào khoảng 4 giờ chiều mỗi ngày, khi những mẻ bún cuối cùng vừa kịp ra lò thì người đi mua bún ở lò bún Hoa Tố, xã Đức Thuận, Tánh Linh đã ra vào tấp nập. Và lúc tờ mờ sáng, số người đến lấy bún, cân bún về kịp bán buổi sáng còn đông hơn.

 


Từ mấy năm nay cảnh ấy lặp đi lặp lại, đồng thời với đó, người Đức Thuận, thị trấn Lạc Tánh đã rất vui mừng: bún Tánh Linh nói rộng ra ngày càng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì được sản xuất bằng máy móc, mở ra triển vọng cung cấp bún cho các vùng lân cận, đặc biệt nó giảm sự phụ thuộc vào các trung tâm đô thị Phan Thiết, La Gi, Đức Linh trước đây. Và như ai đó nói, thực phẩm là một trong thành tố làm nên sự hấp dẫn của một vùng đất (bún bò Huế dầu đi cùng trời cuối đất vẫn vang danh là bún bò Huế). Người Tánh Linh hy vọng với nguồn thực phẩm dồi dào của địa phương, họ có thể chế biến nên những tô bún, tô mì ngon, nấu theo cách Tánh Linh để giới thiệu với khách.

Chúng tôi tìm đến lò bún Hoa Tố vào một ngày đầu hè năm nay. Trò chuyện với chị Hoa, chủ lò bún, sinh năm 1963, chị cho biết: Nghề làm bún của gia đình đã qua 3 đời, từ thời ông ngoại chị vào khoảng những năm 1950, sau đó đến mẹ và bây giờ là cả gia đình chị. Ngày trước để có cọng bún đáp ứng nhu cầu của bao người, những người làm bún thường vất vả đúng nghĩa thức khuya, dậy sớm. Chiếm phần lớn thời gian và công việc là khâu xay bột, làm nhuyễn bột vì đều làm bằng tay. Không riêng gì chị Hoa, tất cả những ai làm bún lúc bấy giờ đều xem việc thức đêm xay bột cối đá là việc cực nhọc nhất. Vì mọi thứ đều làm thủ công nên năng suất, sản lượng bún khó lòng được nhiều. Để có được chừng 100 kg bún mỗi ngày, người trong gia đình chị mất khoảng từ 8 - 12 tiếng đồng hồ (1 kg gạo cho từ 2,7 - 3 kg bún). Chưa kể có những lúc bún không được dẻo, ngon vì gạo kém, không được trắng, đẹp vì nước xả có cặn… Đây là lý do để chị Hoa mơ ước có dàn máy làm bún, mà trước tiên là máy xay bột. Nghe nói, cái dàn máy đó sẽ cho cọng bún trắng ngần, đạt độ dẻo cần thiết và chỉ mất 1/3 thời gian, lại làm ra sản phẩm gấp 10 lần so với làm thủ công, chị Hoa không ngừng mơ ước. Rồi bằng đồng tiền tiết kiệm, gom góp từ nhiều năm, chị Hoa đưa được dàn máy xay bột làm bún trong mơ về chính cái nhà mình, lấy thương hiệu bún Hoa Tố (tên ghép của hai vợ chồng chị). Cũng từ ngày đó, lò bún Hoa Tố mỗi ngày sử dụng khoảng 4 tạ gạo, cho ra trên 1 tấn bún trong vòng từ 4 - 6 tiếng, cung cấp cho cả thị trấn Lạc Tánh và các xã lân cận Đức Bình, Đồng Kho, Huy Khiêm…

…Theo nhu cầu của khách hàng, gia đình chị còn sản xuất cọng bún to hơn để khách hàng dùng nấu bánh canh, bún bò. Chị Hoa chia sẻ: Nghề làm bún thật ra lấy công làm lời, chủ yếu là vừa giữ được cái nghề của ông bà để lại, vừa là cái nghiệp của con cháu đi sau… Nhìn căn nhà 2 tầng vừa được xây khá khang trang sát bên cạnh ngôi nhà cũ vẫn còn để nguyên của gia đình, chúng tôi hiểu được những điều chị vừa chia sẻ.

Bún là thức ăn quen thuộc, được dùng rất phổ biến ở mọi gia đình, sau cơm. Bên cạnh cách chế biến thành các món bún có tên như: bún chả giò, bún thịt nướng, bún mắm, bún bò, bún riêu, bún ốc… gần đây người ta còn sử dụng bún thay cơm, dùng bún để ăn với các loại lẩu, nhất là trong các bữa tiệc liên hoan, cưới hỏi, trong giỗ chạp, nếu có món lẩu, món cà ri thì nhất thiết phải có vài ba đĩa bún. Bún đã trở thành món ăn không thể thiếu của người Việt và nghề làm bún vẫn tiếp tục sứ mệnh bình dị của ẩm thực văn hóa Việt.

Ở thị trấn Lạc Tánh, ngoài lò bún Hoa Tố còn một vài lò bún khác cũng đang quá trình hướng đến sử dụng máy móc trong sản xuất, để sản phẩm ngày một đạt chất lượng cao hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đáng quý là thông qua hình ảnh lò bún Hoa Tố sản xuất bún không còn bằng tay, thủ công đã gợi lên cho người nông thôn ý tưởng: đã đến lúc bớt dần những nghề thủ công năng suất thấp - những nghề không đòi hỏi quá nhiều về kỹ năng - để hướng đến công nghiệp hóa. Bức tranh công nghiệp hóa nông thôn ban đầu còn phôi thai sẽ dần dần đậm màu, nếu từng con người nông thôn thôi ý nghĩ con trâu phải đi trước. Một gia đình bỏ vốn đầu tư máy móc trong sản xuất, mười gia đình khác học theo, làm theo... thì bộ mặt nông thôn sẽ sớm thay đổi. Từng cọng bún trắng ngần, dẻo thơm hạt gạo quê hương mang tên Hoa Tố lấp lánh ánh sáng của bức tranh nông thôn từng bước tiến lên công nghiệp hóa, bức tranh hứa hẹn người dân quê ngày một thư thái hơn vì có máy móc giúp việc.


Theo Báo Bình Thuận

.