Nhắc đến Tây Ninh ta nhớ ngay đến món bánh canh Trảng Bàng, về Trà Vinh thì phải ăn bánh canh Bến Có và đến vùng Bảy Núi hùng vĩ ta nhất định phải thưởng thức món bánh canh Vĩnh Trung.

 


Để có một nồi súp nóng hổi thơm ngon, người nấu phải chuẩn bị từ khuya và nấu theo trình tự nhất định. Nước đun sôi, cho bò vò viên, gà, giò heo, cá lóc vào hầm lửa riu riu độ 30 phút thì vớt cá ra trước. Riêng giò heo, gà, bò vò viên phải hầm cho đến khi thịt mềm. Sau đó nêm nước mắm, đường, muối, bột ngọt… cho vừa ăn.

Vậy là có một nồi nước súp như ý. Nước dùng để nấu súp phải là nước giếng của vùng này, chắc vì lẽ đó mà sợi bánh canh ở đây dai và thơm hơn.

Góp phần làm nên sự khác biệt và thương hiệu của bánh canh Vĩnh Trung là cọng bánh canh dẹp, so với bánh canh ở những nơi khác cọng tròn như đầu đũa. Sợi bánh có độ dẻo, dai, thơm bởi được làm từ gạo thơm Neang Nhen- một loại lúa mùa trồng ở vùng cao của người Khmer vùng Bảy Núi. Ban đầu, gạo được ngâm qua đêm, vo sạch. Tiếp đó, cho vào cối xay và bòng đến khi ráo nước rồi nhào thật kỹ.

Khi ăn, lấy một lượng bột vừa phải cán mỏng bột lên chai thủy tinh và xắt thành cọng thả trực tiếp vào nước đang sôi. Bánh chín được vớt ra tô, cho giò heo xắt khoanh, thịt gà chặt miếng, bò viên xắt làm đôi, cá xé miếng xếp lên. Chế nước dùng vào ngập bánh, rắc nhúm hành lá xắt nhỏ, ngò, tỏi phi mỡ lên là ra tô bánh canh Vĩnh Trung thơm ngon đáo để.

Tô bánh canh với nước súp trong vắt, đậm đà nóng hổi, bốc khói và thoang thoảng hương thơm của các loại gia vị, hành ngò đã làm nức lòng thực khách. Cộng với sợi bánh trắng nõn, dai, thơm và có vị beo béo khi cắn phải khiến ta đã ăn một đũa lại muốn ăn tiếp nữa.

Với tính cách bình dị và niềm nở chịu thương chịu khó, người Khmer nơi đây đã làm nên món bánh canh Vĩnh Trung mang đậm phong cách của vùng Bảy Núi.
 

Theo An Giang Online

.