Trang mạng concierge.com của tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler đã chọn món bánh mì thịt nướng vỉa hè Nguyễn Trãi (quận 1 - TP.HCM) do chị Gái thực hiện là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới...

 


Nằm ngay đầu ngõ Chợ Đồng Xuân, quán “Bún chả bà Nga” lúc nào cũng đông khách ra vào. Đây là một trong những tiệm bún chả que tre còn sót lại ít ỏi ở Hà Nội. Đã ba thế hệ nhà chị Phạm Thanh Hằng (sinh năm 1972) bán bún chả tại ngõ chợ này. Từ gánh hàng rong của bà ngoại khi chợ mới mở, bún chả còn là thức quà của người giàu có, đến thời bà Nga – mẹ chị làm nên thương hiệu rồi chị Hằng tiếp quản đã 5 năm nay. Quán đơn sơ với hai chiếc bàn gỗ kê sát lối đi chỉ vừa một người qua lại.

Điểm khác biệt dễ nhất để nhận ra khi đến quán bà Nga là phảng phất mùi tre nướng trên than hồng. Không “công nghiệp” như vỉ sắt một lượt ra cả khay đầy, mỗi que tre khi nướng chỉ kẹp được bốn miếng chả lại rất mất công chọn lựa. Tre lựa khéo là không quá non dễ có mùi hăng cũng không quá già dễ cháy trên than.“Mình phải lựa theo mấu, cưa tre thành từng đoạn rồi ngâm nước mấy ngày cho đỡ mùi. Một nghìn cặp tre chỉ đủ dùng trong hai tháng rồi phải bỏ đi hết để thay mới.”

Từ sáng sớm, những miếng thịt gối lợn lựa về khi vẫn còn hơi ấm, phần băm nhỏ, phần thái miếng.“Gia vị cũng không có gì cầu kì chỉ quen tay nêm sao cho vừa đủ, ướp cho thật ngấm và không dùng hành tươi vì khi nướng dễ gây mùi cháy khét. Chả que tre nướng rất lâu công vì phải lật liên tục, lửa không được quá to”, lật giở những que tre trên than hồng chị Hằng cho biết.

Cũng như nhiều món chấm khác, bún chả quan trọng nhất là nước chấm. Ngoài giấm gạo ngâm tỏi lấy vị chua, quán bà Nga vẫn giữ nếp cũ của người Hà Nội dùng sấu luộc để nguyên quả cho nước trong. Nước luộc sấu đã có vị chua, mùa hè nóng bức khách có thể dầm thêm cả quả vào bát nước chấm. Giấm sấu không chua bằng giấm gạo nhưng dịu ăn rất vừa miệng.

 

Theo Đẹp Online

.