Trong một tuyên bố ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh tầm xa đầu tiên sản xuất trong nước.

“Ấn Độ đã đạt được một cột mốc quan trọng khi tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh tầm xa.”, tuyên bố nói.

Tên lửa do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và các đối tác khác phát triển, được thiết kế để mang theo nhiều đầu đạn có tầm bắn vượt quá 1.500 km.

leftcenterrightdel
 Vụ thử tên lửa siêu thanh diễn ra tại đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển Odisha, phía đông Ấn Độ. Ảnh PTI.

Vụ thử nghiệm diễn ra ngày 16/11 từ đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ.

Video vụ thử do DRDO công bố cho thấy một tên lửa nhỏ gọn có cánh rời bệ phóng trong bầu trời đêm, phía sau là luồng ánh sáng chói lòa.

leftcenterrightdel
 Video vụ thử tên lửa siêu thanh của Ấn Độ. Nguồn: DRDO.

Công bố của Ấn Độ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi đối thủ trong khu vực là Trung Quốc phô diễn sức mạnh hàng không quân sự mới nhất của mình tại triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Chu Hải.

Bộ trưởng Singh gọi cuộc thử nghiệm là “dấu mốc lịch sử” và thành tựu quan trọng, đưa nước này vào nhóm các quốc gia sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến hàng đầu.

leftcenterrightdel
 Tên lửa được phóng từ một bệ phóng di động. Nguồn: DRDO.

Tên lửa được gọi là siêu thanh khi nó đạt tốc độ tối thiểu gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach-5); ngoài ra đảm bảo khả năng cơ động, khiến chúng khác biệt với tên lửa đạn đạo bay theo một quỹ đạo nhất định.

Tên lửa có khả năng bay thấp và khó phát hiện hơn tên lửa đạn đạo, tiếp cận mục tiêu cơ động hơn và có thể nhận lệnh thay đổi mục tiêu giữa chừng.

Mỹ, Nga, Trung Quốc đều tuyên bố đã đạt được những thành tựu về tên lửa siêu thanh, trong khi một số quốc gia khác đang theo đuổi công nghệ này.

Văn Phong/Reuters, AFP