Ngày 28/7, trong cuộc duyệt binh hải quân kỉ niệm Ngày Hải quân ở St. Petersburg, ông Putin đã lưu ý tới những tuyên bố của chính quyền Mỹ và chính phủ Đức về kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa chính xác tầm xa của Mỹ ở Đức từ năm 2026.

“Các cơ sở quân sự và nhà nước quan trọng của Nga, các trung tâm hành chính, công nghiệp và cơ sở hạ tầng quốc phòng của chúng ta sẽ nằm trong tầm bắn của các hệ thống tên lửa chính xác tầm xa đó.”, ông Putin nói.

“Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ coi như mình thoát khỏi lệnh cấm đơn phương được giả định trước đây về việc triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc tăng cường khả năng của các lực lượng ven biển của Hải quân Nga.”, Tổng thống Nga tuyên bố.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ duyệt binh hải quân kỉ niệm Ngày Hải quân ở St. Petersburg, ngày 28/7. Ảnh: Sputnik/ Vyacheslav Prokofyev/Reuters.

Nhà lãnh đạo Nga so sánh kế hoạch triển khai vũ khí của Mỹ ở Đức với thời Chiến tranh Lạnh khi ông cho rằng, tình huống gợi nhớ đến các sự kiện liên quan đến việc triển khai tên lửa Pershing và tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu.

Trước đó, ngày 18/7, truyền thông Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói, Moscow sẽ chọn trong số nhiều phương án nhất có thể để đáp lại việc Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở Đức, đồng thời không loại trừ bất kì phương án nào, bao gồm cả việc triển khai các hệ thống tương tự được trang bị hạt nhân.

“Tôi không loại trừ bất kì lựa chọn nào”, ông Ryabkov nói, trả lời câu hỏi liệu phản ứng của Nga đối với việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Đức có liên quan đến việc triển khai các hệ thống trang bị hạt nhân tương tự hay không.

leftcenterrightdel
 Phiên bản tên lửa đa năng SM-6 tầm xa phóng từ mặt đất AIM-174B của Hải quân Mỹ. Nguồn: twz.com

Nhà ngoại giao Nga lưu ý, do lỗi của cả Đức và trước hết là Mỹ- thành viên đứng đầu khối NATO, các thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hiện đang bị phá hủy hoàn toàn.

“Trong tình huống này, có tính đến tổng số các quốc gia là thành viên của NATO, chúng ta phải điều chỉnh các phản ứng của mình mà không gặp phải bất kì ràng buộc nội bộ nào, từ góc độ là bố trí vũ khí gì, ở đâu và khi nào, có cần phải triển khai hay không. Nói cách khác, đây là lựa chọn rộng rãi nhất có thể.”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói

Hồi đầu tháng, Lầu Năm Góc thông báo từ năm 2026 Mỹ sẽ bắt đầu triển khai các hệ thống tấn công tầm xa ở Đức, hệ thống này sẽ vượt trội đáng kể so với các vũ khí hiện có ở châu Âu. Các tên lửa sẽ bao gồm SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu thanh.

Văn Phong (theo Sputnik)