|
|
Bảng thông tin cảnh cáo COVID-19 tại ngôi làng Casalpusterlengo ở Đông Nam thành phố Milan. Ảnh:CNN |
Hãng tin Reuters và truyền thông Italy dẫn lời quan chức y tế vùng Lombardy (Italy), Giulio Gallera, cho hay nạn nhân là một phụ nữ cao tuổi tại thị trấn Crema gần Milan, một người cũng đang mắc bệnh ung thư.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Công dân của Italy, ông Angelo Borrelli, xác nhận quốc gia châu Âu này đã có 132 người bị nhiễm COVID-19, trong đó 26 người đang phải điều trị tích cực.
Theo ông Borelli số ca nhiễm bệnh COVID-19 tại nước này đang tăng nhanh chóng. Ông nêu rõ: "Tại Lombardy, chúng ta có số ca bị nhiễm cao nhất là 54 người, tại Veneto có 17 người, 2 người tại Emilia-Romagna, 2 ca tại Lazio (quanh Rome)... và 1 trường hợp tại Piedmont". 51 người đã được nhập viện và 11 người bị nhiễm nCoV ở Italy đang cách ly tại nhà.
Trước đó, kết thúc phiên họp khẩn cấp tối ngày 22/2 (theo giờ địa phương), Hội đồng Bộ trưởng Italy đã thông qua sắc lệnh "mạnh tay" nhằm ngăn chặn sự lây lan gia tăng của dịch COVID-19 (nCoV), sau khi dịch bệnh bùng phát tại vùng Lombardia và Veneto, miền Bắc nước này.
Sắc lệnh của chính phủ quy định cấm người dân ra vào các khu vực bùng phát dịch bệnh, hoạt động đặt dưới sự giám sát của cảnh sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng quân đội và sẽ áp dụng các biện pháp hình sự đối với trường hợp vi phạm; Ngừng các hoạt động giáo dục (di chuyển của học sinh) tại Italy và ra nước ngoài, và đình chỉ tất cả các hoạt động công cộng tại Lombardia và Veneto; Tiến hành cách ly bằng các biện pháp giám sát tích cực với tất cả những người đã tiếp xúc với các trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus. Sắc lệnh cũng nêu rõ đóng cửa các trường học, cửa hàng và bảo tàng, ngừng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước không ảnh hưởng đến các dịch vụ thiết yếu, tạm dừng các cuộc thi và hạn chế di chuyển.
Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định việc thông qua sắc lệnh trên nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân Italy và các biện pháp áp dụng với 10 thị trấn thuộc khu vực điểm nóng dịch bệnh. Trường hợp không tuân thủ sẽ bị xử lý theo điều 650 Bộ luật hình sự, chịu mức phạt theo quy định và giam giữ tới 3 tháng. Thủ tướng Conte cũng xác nhận không đình chỉ Schengen theo đề xuất trước đó của lãnh đạo đảng Liên đoàn (Lega) về các biện pháp ứng phó dịch bệnh.
Thành phố Turin (vùng Piemonte) xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên và 15 trường hợp khác đang được xét nghiệm. Piemonte trở thành vùng thứ 3 tại Italy xác nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV, trong khi đó, một trường hợp khác tại vùng Umbria cũng đang được cách ly theo dõi và tiến hành xét nghiệm sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân tại vùng Veneto và có các triệu chứng về hô hấp.