Điểm lại quan hệ căng thẳng Ukraine-Nga
Cuộc đụng độ tại Eo biển Kerch chỉ là một sự cố nhắc nhở các bên về những việc chưa giải quyết xong giữa Nga và Ukraine. Có thể kể tới một loạt rắc rối giữa hai nước: trừng phạt ăn miếng trả miếng, cuộc bầu cử sắp tới ở Ukraine, các vụ đánh bom khủng bố…
|
|
Eo biển Kerch, nơi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu tuần duyên Nga và tàu hải quân Ukraine xâm nhập trái phép lãnh hải Nga ngày 25/11. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, theo nhận định trên tờ Guardian (Anh), vấn đề cơ bản giữa hai nước vẫn không thay đổi: cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Phát biểu ba ngày trước khi xảy ra vụ đụng độ trên Eo biển Kerch, ông Stepan Poltorak, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết cuộc xung đột ở Đông Ukraine đang bước vào giai đoạn tích cực, đồng thời cáo buộc Nga công khai gây hấn. Một số người ở Ukraine nghi ngờ Nga tìm cách áp đặt trật tự trên biển, ngăn tiếp cận Biển Azov và vùng công nghiệp Mariupol.
Về phần mình, Nga bác bỏ ý đồ thù địch, tuyên bố rằng bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine chỉ sau khi ba tàu này xâm nhập trái phép lãnh hải và có hành động khiêu khích. Quan điểm thống nhất của Nga là các lực lượng chống Nga ở Ukraine đang quyết tâm ngăn chặn giải quyết hòa bình vụ việc.
|
|
Ba tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ do xâm phạm lãnh hải Nga ở Eo biển Kerch ngày 25/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Hai bên còn đang tham gia vào cuộc chiến trừng phạt leo thang. Cách đây ba tuần, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ra sắc lệnh đóng băng tài sản của 68 doanh nghiệp và 322 cá nhân, gồm có một số thành viên cấp cao Chính phủ Ukraine và con trai của Tổng thống Ukraine. Sắc lệnh nhằm đáp trả những động thái không thân thiện mà Ukraine dành cho công dân và các thực thể Nga. Ukraine đã áp dụng các biện pháp tương tự mùa hè năm 2017.
Tình hình chính trị giữa hai nước nói trên đều tác động tới sự bất ổn quan hệ song phương. Cả Mỹ và Đức đều gây áp lực để Nga và Ukraine chấm dứt xung đột. Tổng thống Mỹ Donald Trump gây tranh cãi khi đề xuất Mỹ và Liên minh châu Âu giảm các biện trừng phạt Nga áp dụng từ năm 2014. Nhưng trong thực tế, chính quyền Mỹ, Anh và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục ủng hộ Ukraine. Hồi tháng 7, Lầu Năm góc thông báo hỗ trợ quân sự 200 triệu USD cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giúp thiết kế thỏa thuận Minsk, tạo một tiến trình chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, tiến trình này bị đình trệ bấy lâu nay. Khi bà Merkel gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Berlin hồi tháng 8, không có tiến triển nào về vấn đề thỏa thuận Minsk.
Gần 5 năm đã trôi qua từ sự kiện Maidan ở Kiev gây khủng hoảng sâu sắc trong quan hệ Nga với Ukraine và phương Tây. Mặc dù tình hình hiện tại dường như căng thẳng, nhưng nó đã ở mức độ tương đối ổn định so với trước kia. Giới lãnh đạo cả hai nước đều nhìn thấy rủi ro nếu thay đổi hiện trạng hiện nay.
Xem tàu Nga đuổi tàu Ukraine tại Eo biển Kerch (nguồn: RT):
Bốn kịch bản
Liệu 5 năm nữa, quan hệ của Ukraine và Nga sẽ ra sao, có thay đổi gì quan trọng không? Sau đây là bốn kịch bản có thể xảy ra trong tương lai do ông Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, Chủ tịch Tổ chức Á Âu Mới ở Moskva đưa ra.
1. Giữ nguyên hiện trạng
Kịch bản này dựa trên cơ sở rằng trong vài năm tới, Ukraine không thể có nhiều tiến bộ đáng kể trên con đường cải cách kinh tế, tăng cường thể chế chính phủ, nâng cao hiệu quả quản trị và đấu tranh chống tham nhũng.
|
|
Ngày 28/11/2018, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 thế hệ mới trên Bán đảo Crimea. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vấn đề Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu và NATO cũng thường xuyên bị trì hoãn trong tương lai xa. Các khoản đầu tư quan trọng từ phương Tây sẽ không còn đổ vào Ukraine nữa.
Trong tình hình đó, bất kỳ lãnh đạo Ukraine nào cũng sẽ vẫn ở thế đối đầu với Nga như hiện nay.
2. Chiến tranh Lạnh
Ukraine sẽ thành công trong đạt đột phá tiến tới hiện đại hóa chính trị, xã hội và kinh tế. Sự ổn định kinh tế xã hội, minh mạch, hệ thống tư pháp độc lập sẽ thu hút một dòng chảy lớn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ phương Tây.
|
|
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chủ trì phiên họp của Hội đồng An ninh và Quốc phòng tại Kiev ngày 26/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ukraine sẽ trở thành bức tường thành biên giới quan trọng trong cuộc đối đầu giữa phương Tây và phương Đông.
Với giới chức Nga, Ukraine không chỉ là một mối phiền toái lớn mà còn là một thách thức sống còn cơ bản.
3. Balkan hóa
Trong kịch bản này, diễn biến trong nước Ukraine tương tự như kịch bản đầu tiên. Trong khi đó, quan hệ Nga-phương Tây sẽ có chiều hướng khá hơn. Nga thành công trong tránh bị phương Tây và Mỹ thắt chặt trừng phạt và thậm chí còn được giảm nhẹ trừng phạt.
Nga cũng sẽ thành công trong quy kết giới lãnh đại Ukraine phải chịu trách nhiệm vì không tuân thủ thỏa thuận Minsk. Phương Tây ngày càng tức giận với Ukraine.
|
|
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters |
Khu vực Donbass, không thuộc kiểm soát của Ukraine, trở thành một ví dụ cho các khu vực khác trong đòi quyền tự trị lớn hơn.
Liên bang hóa Ukraine khiến quá trình xin làm thành viên NATO hay EU không còn được nhắc trong nghị trình của Ukraine.
Trong tình hình đó, Ukraine sẽ đánh mất chức năng là một nhân tố đầy đủ trong nền chính trị châu Âu và toàn cầu, trở thành một thực thể bị các thế lực bên ngoài thao túng.
4. Cây cầu châu Âu
Kịch bản cuối cùng và khả quan nhất này dựa trên hai xu hướng ổn định: Ukraine mạnh hơn như trong kịch bản Chiến tranh Lạnh, và Nga – phương Tây giảm căng thẳng như trong kịch bản Balkan hóa.
Xuất hiện nhiều cơ hội tránh rủi ro và dần dần giúp Ukraine trở thành cây cầu văn minh, văn hóa, chính trị, kinh tế nối giữa Nga và phương Tây. Kịch bản này sẽ mang lại lợi ích lâu dài tốt nhất của các bên trong xung đột hiện nay.
Để kịch bản tốt đẹp này thành hiện thực, cả Nga và Ukraine cần có hành động khôn ngoan, tránh leo thang căng thẳng chứ không phải là những động thái như hiện nay sau xung đột ở Eo biển Kerch.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức