Ngày 31/3, Chính phủ Thái Lan cho biết, sẽ thành lập một ủy ban để điều tra vụ tòa nhà 33 tầng ở thủ đô Bangkok bị sập do trận động đất hôm 28/3, có tâm chấn ở quốc gia láng giềng Myanmar.

Mặc dù cách xa tâm chấn tới khoảng 1.000km, tuy nhiên, tòa nhà đang được xây dựng dự kiến sẽ là trụ sở của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan, đã sập hoàn toàn, khiến 11 người thiệt mạng, 76 người khác được cho là đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Liên doanh giữa một công ty xây dựng lớn của Thái Lan và chi nhánh Thái Lan của một công ty Trung Quốc bắt đầu xây dựng tòa nhà vào năm 2020.

Theo truyền thông Thái Lan, công trình trị giá 2,1 tỉ baht (khoảng 61,8 triệu đô la).

Năm ngoái, công ty Trung Quốc đã thông báo trên trang web rằng, dự án này là tòa nhà cao tầng đầu tiên mà họ tham gia xây dựng bên ngoài Trung Quốc.

leftcenterrightdel
 Khoảnh khắc tòa nhà sụp đổ trong trận động đất chiều ngày 28/3. Ảnh cắt từ clip, nguồn: DannyNoonanGolf.
leftcenterrightdel
 Bangkok nằm cách tâm chấn trận động đất ở Sagaing, miền Trung Myanmar khoảng 1.000 km. Nguồn: USGS/Getty.

Truyền thông Thái Lan và Hong Kong cho biết, công ty này có thể đã gỡ bỏ thông báo, vì hiện không còn truy cập được trang web nói trên.

Bangkok có nhiều tòa nhà cao tầng, bao gồm cả một số đang trong quá trình xây dựng, nhưng không có tòa nhà nào được cho là đã sụp đổ hoàn toàn trong trận động đất.

Trong chuyến thăm địa điểm thảm họa ngày 31/3, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết, bà đã chỉ thị thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia để điều tra nguyên nhân gốc rễ của vụ sập, và phải báo cáo kết quả trong vòng một tuần.

Cuộc điều tra hiện đang xem xét kế hoạch xây dựng, tiêu chuẩn vật liệu được sử dụng, các vấn đề về thiết kế và kết cấu, cũng như những biện pháp an toàn trong quá trình thi công tòa nhà.

Nói với báo chí ngày 30/3 khi dẫn đầu nhóm thu thập mẫu vật liệu tại hiện trường, Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Akanat Promphan cho biết, ông lo ngại thép kém chất lượng có thể đã được sử dụng trong quá trình xây dựng công trình.

leftcenterrightdel
 Hiện trường tòa nhà sau trận động đất. Nguồn: France24.
leftcenterrightdel
 Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thị sát hiện trường tòa nhà bị sập sau trận động đất ngày 28/3. Ảnh: Reuters/Bangkokpost.

Ông Akanat nói, 6 tháng qua, Bộ đã tăng cường trấn áp các công ty sản xuất thép kém chất lượng, đóng cửa 7 nhà máy và tịch thu tài sản trị giá 360 triệu baht từ các công ty thép này.

Các chuyên gia từ Hội đồng kỹ sư Thái Lan đang hỗ trợ Chính phủ khảo sát các tòa nhà tại thủ đô để đánh giá thiệt hại do động đất, đã suy đoán rằng, tòa nhà này có thể bị sụp đổ do vật liệu không đúng chuẩn hoặc có vấn đề về thiết kế.

“Thật bất thường khi không có tòa nhà nào khác thiệt hại đến mức như vậy. Ngay cả những cao ốc khác đang được xây dựng cũng không bị sụp đổ.”, Anek Siripanichgorn, một thành viên hội đồng Hội đồng Kỹ sư Thái Lan nói.

leftcenterrightdel
 Khoảnh khắc tòa nhà 33 tầng sụp đổ. Nguồn: DannyNoonanGolf.

Ngày 30/3, ông Mana Nimitmongkol- người đứng đầu Tổ chức Chống tham nhũng Thái Lan, cơ quan giám sát khoảng 170 dự án của Chính phủ trên khắp cả nước, cho biết, Chính phủ đã cảnh báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vào đầu năm nay vì sự chậm trễ.

Theo ông Mana, các đợt kiểm tra thực địa dự án trong quá trình xây dựng của nhóm chống tham nhũng đã có lo ngại về sự chậm trễ, thiếu hụt nhân công và khả năng cắt xén.

Tòa nhà ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 nhưng đã chậm tiến độ. Phó Tổng kiểm toán Thái Lan, Sutthipong Boonnithi, nói với các phóng viên vào 29/3 rằng, việc xây dựng chỉ mới hoàn thành khoảng 30% khối lượng trước khi nó sụp đổ.

“Đôi khi số lượng công nhân tại công trường ít hơn nhiều so với mức cần thiết, gây ra sự chậm trễ. Có khả năng là đã có sự vội vã hoàn thành dự án vào giai đoạn cuối, điều này có thể làm giảm chất lượng thi công.”, ông Sutthipong nói.

Văn Phong/Bangkokpost, NHK