Động đất cũng gây ra nhiều vụ lở đất trên các lối đi lên tham quan ngọn núi Rinjani nổi tiếng. Mọi con đường thám hiểm ngọn núi này đã phải đóng cửa. Cơ quan khí tượng Indonesia cho biết hơn 120 đợt dư chấn đã xảy ra sau động đất, có đợt mạnh tới 5,7 độ Richter. Giới chức địa phương đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 3 ngày. Không có cảnh báo sóng thần.

Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn lời Giám đốc bảo hiểm xã hội và bảo vệ bộ công tác xã hội Indonesia, ông Harry Hikmat cho biết: “Cơ quan chức năng đang khẩn trương làm công tác cứu hộ các nạn nhân. Các lều bạt y tế đã được triển khai để kịp thời cấp cứu các nạn nhân bị thương. Bộ công tác xã hội Indonesia đã cử 60 nhân viên cùng các thiết bị hỗ trợ xuống địa bàn xảy ra động đất để kịp thời hỗ trợ người dân sau thảm họa này”.
leftcenterrightdel
Một ngôi nhà bị đổ sập sau trận động đất. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trong khi đó, cảnh sát Đông Lombok đã cử hàng chục nhân viên đến hiện trường, phối hợp với các cơ quan chức năng khác làm công tác cứu hộ và sơ tán người dân. Đồn trưởng một đồn cảnh sát tại Đông Lombok, ông Eka Fathurahman xác nhận có 18 khách du lịch Malaysia đang nghỉ tại khu du lịch sinh thái Núi Rinjani thuộc Sembalun, Đông Lombok, bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Trong số 18 công dân Malaysia, một người đã chết, 6 người bị thương và những người còn lại đang bị sang chấn tâm lý.

Khoảng 200 người, thuộc 35 gia đình có nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy, đã sơ tán đến làng Sembalun. Những người đi sơ tán đang rất cần nhu yếu phẩm vì họ không kịp mang theo bất cứ thứ gì khi chạy khỏi nhà.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một trong những khu vực xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất trên thế giới. Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ Richter kéo the sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia.

TTXVN/Báo tin tức