leftcenterrightdel
 Singapore thông qua dự luật thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử nhằm thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt ở nước này. Ảnh: dbs.com

Phóng viên TTXVN tại Singapore cho biết Dự luật Dịch vụ thanh toán được thông qua ngày 14/1 và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có tổng mức giao dịch trung bình hàng tháng từ 3 triệu đô la Singapore hoặc 5 triệu đô la Singapore (tương đương 2,2 triệu - 3,7 triệu USD) tiền điện tử giao dịch thả nổi hàng ngày (trong một năm) sẽ được cấp phép là tổ chức thanh toán lớn.

Các tổ chức này phải có yêu cầu bảo lãnh bởi bất kỳ ngân hàng nào ở Singapore và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các khoản tiền của khách hàng, gửi tiền vào tài khoản ủy thác hoặc tham gia các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS).

Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không vượt quá ngưỡng trên sẽ được cấp phép là tổ chức thanh toán tiêu chuẩn. Các nhà cung cấp này không bắt buộc phải áp dụng các biện pháp bảo vệ tiền của khách hàng theo luật mới, nhưng có trách nhiệm phải thông báo với khách hàng về việc tiền của họ không được bảo vệ bởi bảo hiểm tiền gửi.

Bộ trưởng Giáo dục kiêm thành viên hội đồng quản trị của MAS, ông Ong Ye Kung, cho biết các quy định trên nhằm đảm bảo không áp đặt các biện pháp quá chặt chẽ hay ngột ngạt đối với các doanh nghiệp song vẫn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi tham gia các giao dịch thanh toán điện tử.

Cũng theo luật mới, người dân Singapore sẽ không được rút tiền mặt từ các tài khoản tiền điện tử. Điều này nhằm làm gia tăng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Mặt khác, luật quy định tài khoản cá nhân không được vượt quá 5.000 đô la Singapore (gần 3.700 USD) vào bất kỳ lúc nào và tổng số tiền thanh toán từ tài khoản trong một năm không vượt quá 30.000 đô la Singapore (hơn 22.100 USD), ngoại trừ chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng được chỉ định của người dùng. Những giới hạn này không áp dụng đối với tài khoản thanh toán của người bán là tổ chức kinh doanh.

Luật Dịch vụ thanh toán cũng yêu cầu các công ty kinh doanh tiền điện tử hoặc thanh toán kỹ thuật số phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Theo TTXVN