leftcenterrightdel
 Nguyên đơn Dewayne “Lee” Johnson (phải) vừa thắng Monsanto trong vụ kiện 189 triệu USD. Ảnh: Reuters

Phán quyết lịch sử

Trong suốt 3 năm, ông Dewayne “Lee” Johnson bắt đầu một ngày làm việc của mình từ 5 giờ sáng, phun thuốc diệt cỏ lên rìa các bãi đỗ xe và sân thể dục trước khi học sinh tới trường. Ngay cả sau khi lần đầu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào tháng 8/2014, Johnson vẫn tiếp tục phun thuốc. Ông được tuyên truyền rằng, thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gần như vô hại. Thậm chí người nhận ông vào vị trí phụ trách vệ sinh trường học còn đảm bảo với Johnson rằng, Roundup "đủ an toàn để uống!"

Hôm 10/8 vừa qua, tòa án ở San Francisco đã tuyên phạt công ty Monsanto phải bồi thường 289 triệu USD cho ông Johnson, người đang mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối, vì đã cố tình giữ kín thông tin về nguy cơ tiềm tàng của chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ.

Phán quyết lịch sử này được đưa ra vào thời điểm có 4.000 vụ kiện khác đã được đệ đơn lên tòa án Mỹ bởi những nguyên đơn cáo buộc họ bị ảnh hưởng bởi chất độc glyphosate từ thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. Vụ kiện Dewayne Johnson cũng khuấy lại những bê bối khét tiếng của Monsanto trong lịch sử hơn một thế kỷ của công ty này.

leftcenterrightdel
 Thuốc diệt cỏ của Monsanto được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và khắp thế giới khi mà ảnh hưởng của nó tới sức khỏe còn gây tranh cãi.

Khởi đầu từ chất tạo ngọt

Monsanto được thành lập năm 1901 bởi John Francis Queeny, một người Mỹ gốc Ailen mới chỉ học hết lớp sáu. Là khách hàng của một công ty dược phẩm, Queeny tìm hiểu được rằng, nếu sản xuất được saccharin, một chất làm ngọt nhân tạo khi đó nhập từ Đức, anh ta sẽ hái ra tiền. Queeny dốc 1.500 USD tiền tiết kiệm, vay thêm 3.500 USD và dựng cửa hàng trong một nhà kho tồi tàn gần bờ sông St. Louis. Với thiết bị mượn và máy cũ, anh ta bắt đầu sản xuất saccharin cho thị trường Mỹ và gọi công ty của mình là Công ty Hóa học Monsanto, lấy theo tên thời con gái của vợ.

Các cartel Đức kiểm soát thị trường saccharin đã không hài lòng, và cắt giảm giả từ 4,5 USD/pound xuống chỉ còn 1 USD/pound hòng buộc Queeny phá sản. May mắn thay cho Queeny, sự kiên trì của ông và lòng trung thành của một khách hàng ổn định đã giữ cho công ty tồn tại. Khách hàng ổn định đó là một công ty mới ở Georgia có tên Coca-Cola.

Monsanto đã bổ sung thêm nhiều sản phẩm hơn nữa - vani, cafein và các loại thuốc được sử dụng làm thuốc an thần và thuốc nhuận tràng. Năm 1917, Monsanto bắt đầu sản xuất aspirin và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Sau khi Queeny được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, vào cuối những năm 1920, con trai duy nhất của ông, Edgar, trở thành chủ tịch. Dưới thời Edgar Queeny và những người kế nhiệm, Monsanto mở rộng tầm với của mình với nhiều sản phẩm như: nhựa, cao su, phụ gia nhiên liệu, cafein nhân tạo, chất lỏng công nghiệp, nhựa vinyl, chất tẩy rửa, chất chống đông lạnh, phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Kính an toàn của Monsanto hiện đang bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ và kiệt tác Mona Lisa.

Sản xuất hai chất độc nguy hiểm: dioxin và PCB

Monsanto chưa bao giờ nằm trong số trong những công ty thân thiện ở Mỹ. Nhiều năm trong quá khứ, Monsanto sản xuất ra hai chất độc nhất từng được biết đến - biphenyls polychlorinated, được gọi là PCB - và dioxin. Ngày nay, dù công ty không còn sản xuất những chất độc này nữa, nhưng những nơi từng chịu ảnh hưởng của nó thì vẫn đang phải vật lộn gánh chịu hậu quả.

leftcenterrightdel
 Biểu tình phản đối Monsanto ở Mỹ.

Cách thành phố Charleston, bang Tây Virginia, 12 dặm về phía hạ lưu là thị trấn Nitro, nơi Monsanto vận hành một nhà máy hóa chất từ năm 1929 đến năm 1995. Năm 1948, nhà máy đã bắt đầu sản xuất một loại thuốc diệt cỏ mạnh mẽ được gọi là 2,4,5-T, được gọi là “cỏ dại lỗi”. Một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất 2,4,5-T là việc tạo ra một hóa chất đáng sợ, được gọi là dioxin.

Dioxin là một nhóm các hóa chất có độc tính cao có liên quan đến bệnh tim, bệnh gan, rối loạn sinh sản ở người và các vấn đề về phát triển. Ngay cả với một lượng nhỏ, dioxin vẫn tồn tại trong môi trường và tích lũy trong cơ thể. Năm 1997, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, một chi nhánh của Tổ chức Y tế Thế giới, đã coi dạng mạnh nhất của dioxin là một chất gây ung thư ở người. Vào năm 2001, Chính phủ Hoa Kỳ đưa hóa chất này vào danh mục những “chất gây ung thư ở người”.

Vào ngày 8/3/1949, một vụ nổ lớn làm rung chuyển nhà máy tại Nitro của Monsanto khi một van áp nổ tung trên thùng chứa đang "nấu" một mẻ thuốc diệt cỏ. Một luồng hơi và khói trắng trôi dạt khắp nhà máy và bay ra ngoài thị trấn. Trong vòng vài ngày, các công nhân bị rộp hết da. Nhiều người đã sớm được chẩn đoán bị chứng ban clor. Những người khác cảm thấy đau dữ dội ở chân, ngực và thân.

Các bác sĩ đã kiểm tra 4 trong số những người đàn ông bị thương nặng nhất và phát hiện một mùi mạnh phát ra từ họ khi họ ở cùng nhau trong phòng đóng cửa. "Chúng tôi tin rằng những người đàn ông này đang bài tiết hóa chất ngoại lai qua da của họ", một bản báo cáo cho Monsanto nhấn mạnh.

Mãi tới tận năm 1981, một số cựu nhân viên của Nitro đã đệ đơn kiện tại tòa án liên bang, buộc Monsanto đã cố ý tiếp xúc với hóa chất gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài, bao gồm ung thư và bệnh tim. Vào đêm trước của một phiên tòa, vào năm 1988, Monsanto đã đồng ý giải quyết hầu hết các trường hợp bằng cách thực hiện một khoản thanh toán một lần là 1,5 triệu USD.

Vào những năm 1960, nhà máy của Monsanto sản xuất chất độc "màu da cam", chất diệt cỏ mạnh mẽ mà quân đội Mỹ sử dụng để thả xuống các cánh rừng rậm Việt Nam. Thuốc diệt cỏ chứa glyphosate mà nguyên đơn Dewayne Johnson trong vụ kiện tại Mỹ sử dụng là loại thông thường, còn chất diệt cỏ do Monsanto sản xuất phục vụ quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là loại tổng hợp của 2 chất độc 2.4D và 2.4.5T. Để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng, khiến nồng độ dioxin trong các chất này tăng vọt, dẫn đến độ độc hại của chất độc da cam tăng gấp nhiều lần so với thuốc diệt cỏ thông thường.

Từ năm 1929 đến 1971, Monsanto còn sản xuất PCB làm chất làm mát công nghiệp và chất lỏng cách điện cho máy biến thế và các thiết bị điện khác. Là một trong những hóa chất kỳ diệu của thế kỷ 20, PCB rất đa năng, có khả năng chống cháy, đã trở thành hóa chất quan trọng của nhiều ngành công nghiệp Mỹ như dầu nhờn, chất lỏng thủy lực và chất bịt kín. Nhưng PCB cũng cực kỳ độc hại. Chất này có liên quan đến tổn thương ở gan và trong các hệ thống thần kinh, miễn dịch, nội tiết và sinh sản. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (E.P.A.) và Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật, một phần của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, hiện phân loại PCB là "chất gây ung thư tiềm tàng”.

Ngày nay, 37 năm sau khi Monsanto dừng sản xuất PCB ở Anniston, và sau khi hàng trăm tấn đất ô nhiễm đã được di dời, khu vực xung quanh nhà máy Monsanto cũ vẫn là một trong những điểm ô nhiễm nhất ở Mỹ. Để giải quyết khiếu nại của người dân, Monsanto cũng đã trả 550 triệu USD cho 21.000 cư dân Anniston tiếp xúc với PCB, nhưng nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục sống với chất độc này trong cơ thể mình.

Roundup và chất glyphosate

Trong những năm 1970, Monsanto đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào công nghệ sinh học. Năm 1982, các nhà khoa học của Monsanto trở thành người đầu tiên biến đổi gen tế bào thực vật. Ngày nay, hạt giống biến đổi gien của Monsanto đã làm thay đổi cả nền nông nghiệp Mỹ và thế giới, dù còn gây nhiều tranh cãi về ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

Đồng thời với việc ràng buộc nông dân với hạt giống biến đổi gien, Monsanto cũng cung cấp cho họ loại thuốc diệt cỏ có tên Roundup, được phun lên các cánh đồng biến đổi gien mà không ảnh hưởng đến cây trồng.

leftcenterrightdel
 Dây chuyền sản xuất thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto.

Thuốc diệt cỏ của Monsanto đang được phun lên cáccánh đồng, sân chơi, vườn tược trên khắp thế giới. Kể từ khi Roundup được tung ra thị trường vào năm 1974, người Mỹ đã phun trên 1,8 triệu tấn hoạt chất chính của nó là glyphosate, còn trên thế giới là 9,4 triệu tấn glyphosate.

Trước phán quyết của Tòa trong vụ kiện Dwayne Johnson, phía Monsanto vẫn khẳng định sản phẩm Roundup của họ là an toàn và tuyên bố sẽ kháng cáo. Nhưng ngay sau đó, một báo cáo do Tổ chức Lao động Môi trường (EWG), một tổ chức y tế công cộng tại Mỹ, công bố cho thấy dấu vết của hoạt chất glyphosate được phát hiện trong hàng chục loại thực phẩm hằng ngày, từ ngũ cốc cho đến kẹo snack bán cho trẻ em Mỹ.

Hôm 17/8 vừa qua, Chính phủ Pháp đã kêu gọi các nước tham gia cuộc chiến chống lại sự lạm dụng thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp, bằng việc cấm sử dụng chất glyphosate. Tổng thống Emmanuel Macron cũng cam kết cấm chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ trên toàn nước Pháp vào năm 2021.

leftcenterrightdel
 Hoạt chất glyphoste được phát hiện có trong nhiều mẫu thực phẩm.

Monsanto là công ty hàng đầu trong 37 công ty sản xuất thuốc diệt cỏ chứa dioxin (còn gọi là chất độc màu da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Chất độc từ thuốc diệt cỏ đã khiến 4,8 triệu người Việt Nam phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người hoặc đã chết hoặc bị các bệnh hiểm nghèo, sinh con bị dị dạng, dị tật...

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto. Đến năm 2009, một tòa án quốc tế được thiết lập tại Paris (Pháp) để giải quyết vấn đề liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân Việt Nam, nhưng cả Chính phủ Mỹ lẫn Monsanto đều từ chối xuất hiện.

Tới ngày 18/4/2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Monsanto không thừa nhận kết luận của phiên tòa.

Thu Hằng/Báo Tin tức