Nhiều cô gái ở đây dù mới ở độ tuổi thiếu niên nhưng đã bị bắt cóc, lừa bán vào “động quỷ”. 20.000 gái mại dâm với những câu chuyện khác nhau cho thấy cuộc sống tăm tối phía sau ánh đèn mờ ảo của các phòng chứa ở Kamathipura.

leftcenterrightdel
 Gái bán dâm ở Kamathipura đang chờ khách

Số phận nghiệt ngã

Trời nhá nhem tối, trong các con hẻm nhỏ ảm đạm, những người phụ nữ trải tấm nhựa phía trước tòa nhà ọp ẹp, nơi mà họ vừa dùng để sinh sống, vừa hành nghề mại dâm.

Đây là cảnh tượng thường thấy tại quận Kamathipura, trung tâm thành phố Mumbai, thủ đô thương mại của Ấn Độ.

Hiện ở khu Kamathipura có khoảng 20.000 phụ nữ hành nghề bán dâm sinh sống. Họ đến từ khắp nơi trong đất nước Ấn Độ và cả các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh…

Cô bé Guddi chào đời và lớn lên tại một ngôi làng nghèo ở bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ. Ngay từ khi mới lên 11 tuổi, Guddi đã bắt đầu phải đối mặt với cuộc sống hiện thực đầy khó khăn, khắc nghiệt khi gia đình cô bé quyết định nghe theo lời hàng xóm để em tới thành phố Mumbai làm nghề giúp việc, kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Thế nhưng, khi bước chân tới Mumbai, chính người hàng xóm “tốt bụng” kia đã bán Guddi cho một nhà chứa ở Kamathipura - một trong những khu đèn đỏ lớn nhất châu Á.

Tấn bi kịch bắt đầu giáng xuống đầu Guddi khi cô bé phải nằm viện suốt 3 tháng sau lần tiếp khách đầu tiên. Câu chuyện buồn và đau lòng của Guddi chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện đáng buồn khác của khoảng 20.000 cô gái mại dâm ở Kamathipura.

Phố đèn đỏ cổ nhất Ấn Độ

Được biết, khu phố này có từ thế kỷ 18, và trở thành trung tâm của hoạt động mại dâm và buôn bán người khét tiếng. Đây được xem khu đèn đỏ lâu đời và lớn nhất Mumbai - là một mê cung với khoảng 14 hẻm tồi tàn, chật hẹp, nằm dưới chân những cao ốc tráng lệ - biểu tượng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế Ấn Độ.

Kinh tế phát triển những năm gần đây đã giúp hàng triệu người Ấn Độ thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng tại Kamathipura, thời gian dường như đứng yên suốt thời gian qua.

Suốt những năm 1800, quân đội Anh Quốc đã thành lập và duy trì khu nhà thổ này để phục vụ nhu cầu tình dục của cho tất cả binh lính trên khắp Ấn Độ. Họ trực tiếp tuyển chọn và trả giá cho các cô gái mại dâm.

Đặc biệt trong đó, có rất nhiều cô gái vẫn còn trong độ tuổi thiếu niên và đến từ các khu vực nông thôn nghèo khó, xa xôi. Trước năm 1864, Mumbai có hơn 500 gái mại dâm sống và hoạt động trên 8 khu phố.

Gần 60 năm sau, chỉ còn 2 khu đèn đỏ vẫn tiếp tục hoạt động, trong đó có khu Kamathipura là lớn nhất. Trong những năm 1890, để bảo vệ gái mại dâm khỏi tình trạng bạo lực, cảnh sát đã xây dựng những thanh rào chắn ở các cửa sổ của khu nhà chứa này.

Những “chiếc lồng” vẫn tồn tại cho đến này hôm nay và nhiều gái mại dâm vẫn gắn bó với các khu nhà chứa như này suốt từ thời đế quốc Anh cai trị.

Ngày nay, những gái mại dâm nhiều tuổi thường nhận được 500 rupee (khoảng 160.000 đồng) cho mỗi lần đi khách. Trong khi đó, những gái mại dâm có độ tuổi từ 12 đến 16 sẽ nhận được 2.000 rupee (khoảng hơn 600.000 đồng).

Đặc biệt, những cô gái còn trinh sẽ được trả giá cao hơn rất nhiều so với mức giá bình thường khác. Tuy nhiên, “Thời hoàng kim đã qua. Mọi thứ đang đóng lại.

Đã đến hồi kết của phố đèn đỏ Kamathipura”, Hasina, 38 tuổi, nói. “Kamathipura là một nơi kinh khủng”. Hasina sống và hành nghề ở khu này suốt hai thập kỷ qua.

Bước chân vào không thể bước ra

Một khi đã bước chân vào ngành công nghiệp tình dục, hầu hết phụ nữ đều không thể thoát khỏi đó, và chỉ có vài sự lựa chọn, nếu không muốn bán dâm thì họ phải làm những công việc lao động chân tay. Chủ nhà chứa thường tống giam những phụ nữ trẻ mới đến đây vào một căn phòng nhỏ suốt nhiều tuần hoặc nhiều tháng, sau đó đe dọa và bắt họ phải phục vụ khách.

Cô Sati Sheikh, 27 tuổi, luôn phải chịu những đe dọa bạo lực với hai đứa con nhỏ để ép cô tiếp khách trong các nhà thổ. “Tôi phục vụ khoảng 6 khách mỗi ngày. Nếu không, họ dọa sẽ bán hai đứa con của tôi”, Sheikh nói.
Các căn phòng ở đây có giá thuê 300 rupee (khoảng 4,6 USD) ọp ẹp với những tấm nhựa. Hầu hết những phụ nữ ở đây sẽ trở thành món hàng của bọn buôn người do người thân bán hoặc nghe theo những lời hứa hẹn hão huyền của những tên đàn ông rằng họ sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở Mumbai. Nếu rơi vào tay bọn buôn người, thường các cô gái đều có chung số phận.

Không những thế, gái mại dâm hành nghề ở Kamathipura còn phải trả một khoản phí 1.500 rupee (khoảng 23 USD) trong hai tuần cho cảnh sát địa phương để tránh họ quấy nhiễu. Giờ đây, nếu muốn thoát khỏi nơi đen tối này, họ chỉ còn cách dựa vào con cái họ.

“Tôi đã phải làm công việc tủi nhục suốt 20 năm nên con gái tôi sẽ không phải làm việc này. Con trai tôi đang học đại học và làm tại một tiệm kem. Nó đang cố gắng kiếm tiền đưa tôi ra khỏi nhà thổ này”, một phụ nữ hành nghề mại dâm tên Devi, 36 tuổi cho biết.

Ngoài ra, hiện nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã bắt đầu có những hoạt động giúp đỡ những nạn nhân của nạn mại dâm. Ví dụ họ sẽ giúp con cái đến trường. Khi trưởng thành, chúng sẽ bắt đầu làm việc kiếm tiền giúp mẹ trả nợ cho chủ chứa để được ra ngoài sinh sống.

Mới đây, Tổ chức từ thiện Jubilee nhằm kêu gọi Ấn Độ và các quốc gia khác có những biện pháp trừng phạt với các hoạt động mua bán dâm. Cô bé Lata tới từ Karnataka, một bang phía Nam Ấn Độ. Năm 16 tuổi, cô bị chính người bạn trai của mình cho uống thuốc mê rồi lừa bán cho khu nhà thổ ở Mumbai.

“Giống như tôi, rất nhiều người bị bán hoặc bị lừa sa chân vào con đường mại dâm mà phải sinh sống ở khu này. Và một khi đã bị lừa bán vào “động quỷ”, những người phụ nữ đáng thương này cũng không thể trở về quê hương, gia đình bởi họ lo sợ sự kỳ thị mà người đời dành cho mình”, Lata nói.

Nhiều năm sau đó, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bombay Teen Challenge, Lata đã được giải thoát và đoàn tụ với gia đình. Hiện tại, Lata đang sống trong nhà phục hồi chức năng của tổ chức từ thiện này.

Cuộc sống chưa biết đi về đâu

Mumbai hiện có giá bất động sản vào hàng đắt đỏ nhất thế giới. Nhu cầu đất đai ở thành phố đông đúc với khoảng 20 triệu người này rất cao. Không những thế, với lời hứa thay đổi lớn của chính phủ mới, sự tự tin về kinh tế đang ấm trở lại, các dự án phát triển lên kế hoạch cách đây một thập kỷ cũng đang bắt đầu được khởi động.

“Mọi thứ đang chuyển động trở lại. Nhiều tờ thông báo mới được dán trên những tòa nhà từng là nơi hành nghề mại dâm. Chúng nhắc nhở mọi người ở đây rằng đã đến lúc phải chuyển đi”, Pravin Patkar, người đứng đầu tổ chức chống buôn người Prerana ở khu vực ngoại ô Kamathipura, nói.

“Giờ đây, tỷ lệ phụ nữ rời khỏi đây cao và số người đến giảm, không phải vì ngày càng ít người bị bán, mà vì có quá nhiều phố đèn đỏ đang mọc lên ở Mumbai”, Patkar, giám đốc một tổ chức phi chính phủ lý giải.

Việc các tụ điểm mại dâm mọc lên rải rác khắp thành phố khiến cho các tổ chức xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận với phụ nữ bị tổn thương và con cái họ. Tòa án tối cao của Ấn Độ đang xem xét xem liệu có nên hợp pháp hóa mại dâm hay không, hoặc ít nhất là làm rõ tình trạng pháp lý của ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế thấp trong những năm gần đây, cộng với thiếu vốn khiến nhiều nhà đầu tư đành phải lùi lại mọi dự định.

Dù khu này hầu như đã bị mua sạch vào thời điểm cao trào của bong bóng kinh tế, nhưng các dự án chuyển đổi nhà thổ, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa và nhà xưởng thành văn phòng, trung tâm thương mại hay căn hộ chưa bao giờ được triển khai.

22h đêm, hoạt động “mua – bán” bắt đầu tấp nập ở Đường 14, Kamathipura. Dưới ánh sáng leo lét của đèn lồng đỏ treo dưới đèn đường, hai cô gái đang đứng đợi khách. Họ vừa nói chuyện khẽ khàng, vừa chăm chú xem phim trên điện thoại di động của mình.

Một đứa trẻ vén tấm rèm đỏ bẩn thỉu che cửa lên để lộ căn phòng nhỏ phía trong có cô gái đang ngồi trên giường soi gương chải tóc. Sau đó, ai đấy vội kéo rèm lại. Cuộc sống biết nay không biết mai vẫn cứ tiếp tục ở khu đèn đỏ Kamathipura này cho đến tận bây giờ.

Hoài Thu/Phapluatplus