Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: Trong vòng 5 năm vừa qua, khoảng 262.600 quan chức và cán bộ đã bị kỷ luật trong chiến dịch chống xa hoa, lãng phí và phong cách làm việc quan liêu của giới quan chức nước này. 

Trước đó, cuối năm 2012, Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã đưa ra quy tắc 8 điểm về tính tiết kiệm, thanh liêm cũng như duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân để đấu tranh chống lại hành vi lạm dụng chức vụ, từ đó nhằm giảm thiểu tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương CPC (CCDI) có hệ thống báo cáo hàng tháng về việc thực hiện các quy tắc trong cơ quan quản lý cấp tỉnh, cơ quan trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính trực thuộc Trung ương.

leftcenterrightdel
 

Kể từ khi giữ cương vị người đứng đầu Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ngay lập tức chỉ đạo tiến hành chiến dịch chống tham nhũng trên phạm vi sâu rộng. Từ năm 2013, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" nhằm xử lý quan chức tham nhũng, dù chức danh là cao hay thấp. Đây là một trong những chính sách nổi bật nhất của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ qua. Theo ông Tập Cận Bình, tham nhũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), khoảng 1,34 triệu quan chức của nước này đã bị trừng phạt vì tội tham nhũng chỉ trong gần 5 năm qua. Trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc, không phân biệt cấp bậc, nhiều quan chức của quốc gia này đã bị điều tra, xử lý vì vi phạm kỷ luật. 

Thông tin được CCDI công bố ngày 8/10/2017 cho biết, trong số các quan chức cấp cơ sở bị trừng phạt từ năm 2013, có 648.000 quan chức làng xã, hầu hết đều dính líu đến các vụ tham nhũng quy mô nhỏ lẻ. Riêng năm 2016, chiến dịch đã xử hơn 120 quan chức cấp cao, trong đó có một số quan chức quân đội, giám đốc doanh nghiệp nhà nước... Đáng chú ý, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình còn xem xét không chỉ các nhà lãnh đạo đương nhiệm mà còn cả các cựu lãnh đạo cấp cao như: cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh… Gần đây, ngày 29/9/2017, cựu Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài đã bị khai trừ Đảng và bãi nhiệm mọi chức vụ công vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" - cụm từ vốn thường được Trung Quốc dùng để nói về hành vi tham nhũng. Ông Tôn Chính Tài hiện đang bị CCDI điều tra.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng làm việc với cộng đồng quốc tế để truy lùng nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài trong chiến dịch "Lưới trời" và các chiến dịch khác. Đến tháng 8/2017, có 3.339 nghi phạm lẩn trốn đã bị bắt tại hơn 90 quốc gia và khu vực, trong đó 628 người là cựu quan chức, khoảng 1,41 tỷ USD đã được thu hồi.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng cho biết, tính đến tháng 8 năm 2017, 155.000 đảng bộ cấp địa phương đã thành lập cơ chế điều tra tham nhũng nội bộ, chiếm 94,8% tổng số đảng bộ địa phương ở quốc gia này.

Phát biểu ngày 18/10/2017 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa nêu rõ nghiêm khắc xây dựng chỉnh đốn đảng là một trong số các nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới. Ông Tập Cận Bình khẳng định: “tham nhũng là đe dọa lớn nhất của đảng hiện nay“. Tình hình đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vẫn rất nghiêm trọng phức tạp, cần phải giữ vững quyết tâm, giành lấy thắng lợi. Phải kiên trì điều tra xử lý cả việc đưa và nhận hối lộ, ngăn chặn hình thành nhóm lợi ích trong đảng, xây dựng luật pháp quốc gia chống tham nhũng, xây dựng diễn đàn tố giác khắp hệ thống kiểm tra kỷ luật" - Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Ngay sau đó, tại cuộc họp báo về công tác tăng cường xây dựng Đảng, quản lý nghiêm minh toàn diện đối với đảng viên ngày 19/10, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Hiểu Độ cho biết, kể từ Đại hội 18 đến nay đã tiến hành lập án điều tra đối với 440 cán bộ cấp tỉnh, bộ và cán bộ thuộc sự quản lý của Ban Tổ chức Trung ương. Trong đó có 43 Ủy viên Trung ương, Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 18, có 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương; hơn 8.900 cán bộ cấp cục, sở và 63.000 cán bộ cấp huyện, phòng. Số cán bộ, đảng viên cấp cơ sở bị xử lý là 278.000 người. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng truy bắt được 3.453 cán bộ trốn chạy ra nước ngoài và 48 tội phạm thuộc diện truy nã đặc biệt.

Cũng theo ông Dương Hiểu Độ, sau Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vẫn lấy trọng điểm là trừng trị quan tham, trong đó tập trung vào các quan chức cao cấp vừa tham nhũng kinh tế vừa hủ bại về chính trị.

Gần đây nhất, chiều 4/12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trong vòng 5 năm qua, khoảng 262.600 quan chức và cán bộ đã bị kỷ luật trong chiến dịch chống xa hoa, lãng phí và phong cách làm việc quan liêu của giới quan chức nước này. 

Theo CCDI, tính đến tháng 10/2017, các cơ quan kiểm tra kỷ luật trên toàn Trung Quốc đã tiến hành điều tra khoảng 193.200 trường hợp liên quan đến việc vi phạm Điều lệ Đảng được ban hành hôm 4/12/2012, trong đó có tới 29 trường hợp liên quan đến các quan chức cấp cao. CCDI cho hay, chiến dịch này nhằm vào thực tế chi tiêu ngân sách công cho các món quà, tiệc tùng, ngày nghỉ, lễ, Tết. Tuy nhiên, CCDI cũng lưu ý số lượng các trường hợp như vậy đã giảm đi hàng năm.

Sau những vụ đại án tham nhũng như: Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch… Có thể thấy, chiến dịch chống tham nhũng đã và đang được tiến hành mạnh mẽ trên quy mô sâu rộng tại Trung Quốc. Cuộc chiến này đã chạm tới cả những nhân vật cấp cao trong Đảng, quân đội và nhiều doanh nghiệp lớn - những nhân vật quyền lực vốn từng được xem là “không thể đụng chạm” tại quốc gia này.

Hải Dương