Một cụ ông 84 tuổi từng là quan chức chính phủ ở miền nam Trung Quốc đã trở thành người tiên phong trong phong trào đòi quyền lợi cho những người chuyển giới khi công khai quyết định chuyển đổi giới tính ở tuổi “xưa nay hiếm”.
|
Diện mạo đầy nữ tính của Yi Ling hiện tại. |
Cụ ông Qian Jinfan sinh năm 1928 tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải khoảng 80km. Là một nhà viết thư pháp, nhà lý luận văn học và sưu tầm nghệ thuật, ông Qian đã trở thành công chức nhà nước ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc và kết hôn ở tuổi 54.
4 năm trước, khi ở tuổi 80, ông Qian đã quyết định trở thành một phụ nữ.
Nhưng cho tới tận tuần này, ông Qian, hiện vẫn có vợ, mới lần đầu tiên công khai về quyết định của mình. Với quyết định gây sốc, người đàn ông 84 tuổi đã tự biến mình thành một biểu tượng hiếm gặp nhằm thay đổi thái độ của công chúng đối với những người chuyển giới tại Trung Quốc.
“Đây là cuộc sống thật của tôi. Tôi đã giấu mình trong suốt 80 năm qua”, ông Qian, mà giờ tự lấy tên nữ là Yi Ling, sử dụng nhà vệ sinh dành cho nữ và được biết là người chuyển giới công khai nhiều tuổi nhất tại Trung Quốc, nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Southern Metropolis Daily của Quảng Châu.
“Tôi hi vọng có thể chống lại những thành kiến của công chúng đối với những người chuyển giới. Tôi muốn xoá bỏ những điều đó”.
Ông Qian cho hay ông đã cảm thấy mình là con gái ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng “cuộc cách mạng” để chuyển từ Qian Jinfan thành Yi Ling chỉ bắt đầu tháng 12/2008 khi ông tiêm các hoóc-môn để giúp nảy nở vòng 1 và mặc quần áo của phụ nữ.
Năm sau đó, ông viết một bức thư gửi các cựu quan chức ở Sở văn hoá thành phố Phật Sơn nói rằng ông đã phải mặc quần áo của nam giới trong cuộc cuộc đời. Qian không nhận được thư trả lời nhưng xem đó là một sự ủng hộ kín đáo dành cho ông. Lương hưu và các khoản phúc lợi xã hội của ông sau đó không bị ảnh hưởng.
Đến năm 2010, ông Qian lại viết một bức thư khác thông báo cho các giới chức rằng ông muốn trở thành phụ nữ.
Liu Chunling, một quan chức tại Sở văn hoá Phật Sơn, cho rằng quyết định của ông Qian là “chuyện riêng tư”. “Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy quyết định của ông Qian bằng thái độ cởi mở. Chúng tôi có thể hiểu và chấp nhận điều đó”.’
Các nhà hoạt động vì quyền lợi của những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đã ủng hộ quyết định công khai mọi chuyện của ông Qian.
“Tôi nghĩ ông ấy thực sự dũng cảm. Thật là một tin tốt lành cho cộng đồng chuyển giới khi mọi người dũng cảm lên tiếng”, Wei Jiangang, một nhà hoạt động tại Bắc Kinh kiêm người sáng lập Queer Comrades, một chương trình truyền hình trên mạng về các vấn đề LGBT, nói.
“So với 10 năm trước, đã có một sự thay đổi lớn… Ngày càng có nhiều không gian và sự trợ giúp đối với cộng đồng LGBT”, Wei Jiangang nói thêm.
|
Ông Qian giờ đây ăn mặc giống phụ nữ và nuôi tóc dài. |
Quyết định công danh chuyện chuyển giới của ông Qian diễn ra chỉ vài ngày sau khi hàng chục nghìn người tham dự một hội chợ sex được chính phủ ủng hộ ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Với một số người, đó là dấu hiệu cho thấy các quan điểm bảo thủ đối với vấn đề tình dục đang thay đổi.
Lễ hội bao gồm các hoạt động như trưng bày các công cụ tình dục cổ, triển lãm tranh và các tác phẩm nghệ thuật gợi cảm, vẽ tranh trên cơ thể trần (body painting), trình diễn đồ lót, các hội thảo về kiến thức giới tính và triển lãm ảnh nude.
“Khi Trung Quốc phát triển cả về mặt kinh tế và xã hội, người Trung Quốc trở nên ít coi sex là chủ đề cấm kỵ”, tờ Xinhua viết.
“Sex từng là chủ đề cấm kỵ khi chúng ta còn trẻ, nhưng giờ đây nó có thể được thảo luận cởi mở. Tôi nghĩ rằng đó là một ví dụ cho sự tiến bộ xã hội”, Zhao Guiyao, một người dân địa phương 61 tuổi, nói.
Tuy nhiên, bà Liang, vợ của ông Zhao, tỏ ra là người có tư tưởng ít cởi mở hơn và không đồng tình với một số hoạt động của hội chợ sex.
Bản thân ông Qian cũng gấp phải những thành kiến. Trong khi bạn bè tỏ thái độ ủng hộ khi ông bắt đầu tham gia các cuộc họp trong bộ quần áo của phụ nữ thì Qian cho hay ông cũng bị trẻ em gần nhà chế giễu và bêu xấu.
Phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc đối với câu chuyện của ông Qian cũng rất khác nhau.
“Đó là chuyện tự do cá nhân khi ai đó sống đúng với mong muốn của mình, miễn là không ảnh hưởng tới người khác”, một cư dân mạng viết. Trong khi đó, một người khác lại bày tỏ sự phản đối: “Người đàn ông này có thể có bị bệnh tâm thần”.
“Đã có những tiến bộ nhưng cộng đồng LGBT vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề”, nhà hoạt động Wei Jiangang nói. “Mọi người vẫn tỏ ra e ngại đối với những người khác thường”.
Theo An Bình (Dân trí)
Tổng hợp