Loại rắn bù nặc cực độc ở đảo Lý Sơn từng cắn chết bò và người, thế nhưng với dị nhân Tùy, chú rắn độc đó chẳng hề hấn gì, ông cho cả chú rắn sống vào miệng, ăn ngon lành.

 


Con rắn vừa bắt xong, không hề rửa ráy gì, cũng không dùng loại chất gì để khử mùi tanh. Ông Tùy đưa cái đuôi ngúng nguẩy của nó lên miệng đớp một cái. Tôi trộm nghĩ bộ răng trắng như sứ của ông phải sắc hơn cả dao. Ông đớp một cái rất nhẹ nhàng, không kéo, không rứt, mà cái đuôi ngoe nguẩy đứt ngọt.

Đến đây, mấy bà mấy chị lại rú lên kinh khiếp. Nhiều người mặt mũi tím tái, đỏ au lên. Mấy cô gái tuổi trăng tròn không dám nhìn nữa, cứ úp mặt vào lưng người khác. Thậm chí, mấy anh chàng mê nhậu nhẹt, khoe khoang không ít lần chén món rắn nướng, chả rắn, cũng thấy dờm dợm trong cổ.

Tôi cũng thuộc dạng ăn bừa bãi, từng ăn bọ xít ở Quỳnh Nhai, từng ăn châu chấu rang để nguyên ruột và cánh ở Bắc Yên và từng chén cả đĩa dế mèn, dế chũi ở thị xã Sơn La. Món ăn khủng khiếp nhất mà tôi từng nếm, ấy là rắn nướng tái. Lần ấy, đi công tác ở Cần Thơ, mấy đồng nghiệp ở báo Công An gồm Thanh Bình, Nam Giao, Nam Thơ đã chiêu đãi tôi món ăn mà đến bây giờ tôi vẫn còn kinh khiếp.

Bữa ấy, anh Giao xách về một xô, gồm mấy con rắn ri voi, ri cá, ngắn choẳn, to bằng cổ tay. Than hoa quạt lên cháy bùng bùng, con rắn nước to tướng đang sống ngo ngoe được rửa sạch, rồi một người cầm đầu, một người cầm đuôi, kéo căng.

Dao chặt phầm phập. Rắn đứt tùng khúc, vẫn ngo ngoe. Khúc rắn được kẹp vào vỉ nướng, đặt lên than hoa cháy xèo xèo. Chỉ cháy đen lớp da, bong nứt, chảy mỡ, thế là mỗi ống một khúc cứ thế zô, cứ thế gặm.

Nhai hết lớp da, mới thấy thịt rắn bên trong vẫn sống nguyên, vừa dai, vừa ngọt. Máu rắn vẫn thấm đỏ kẽ xương sống. Sở dĩ tôi thuộc hạng liều ăn, liều uống, vì sinh ra lớn lên ở vùng Thái Thụy (Thái Bình), nơi nổi tiếng với món thịt chuột, món cá mè sống, nhệch sống, thịt và xương lợn sống băm nhừ ướp tỏi.

Kể ra điều này, để bạn đọc biết rằng, tôi chả ngán gì món sống. Nhưng thú thực, nhìn ông Tùy nhai ngon lành con rắn độc vẫn ngo ngoe trên tay, tôi cảm thấy như có cái gì đó đang ứ lên cổ.

Con rắn bị cắn đứt phần đuôi, máu đỏ chảy ròng ròng. Ông kéo căng thân nó ra, rồi giơ lên trời, cho dòng máu tươi nhỏ vào miệng không sót một giọt. Khi nhũng giọt máu chảy chậm dần, ông đưa cái phần bị đứt của con rắn vào miệng và mút chùn chụt.

Tôi thấy hai bên má ông hóp lại, chừng như mút mạnh lắm. Cảnh tượng ấy khiến người xem nghĩ đến một người đang đói khát, vớ được hộp sữa, mút lấy mút để.

Mút hết máu của con rắn, ông Tùy tiếp tục đưa con rắn lên miệng và nhai. Những người đứng tuổi xem buổi biểu diễn đều khẳng định giống rắn bù nặc mà to cỡ ngón tay cái người lớn là thuộc hạng “có tuổi”, xương rắn như đá. Nếu làm chả con rắn này, phải dùng sống dao băm đến mỏi tay mới nhừ được xương của nó.

Vậy mà đôi hàm răng của ông Tùy cứ như hàm của giống hổ, báo, sư tử, đớp một cái mà ngọt như dao phay chém chuối, con rắn lập tức đứt rời. Mà hàm răng nghiến cũng nhanh, chỉ thấy nhai đôi ba cái, rau ráu, rầu rệu, đã thấy nuốt chửng.

Lúc ông đang chén rắn, một cậu bé mang cho cốc nước, ông uống một hơi hết nửa cốc, xúc miệng ùng ục, rồi lại chén tiếp. Ông cứ ăn hồn nhiên, ăn vô tư và dường như đã quá quen với sự kinh hãi của những người chứng kiến nên chẳng thèm để tâm.

Khi đã ăn gần hết con rắn, còn lại phần đầu, mọi người nghĩ rằng ông sẽ bỏ đi, vì đầu rắn có đôi nanh, là nơi chứa nọc độc. Nhung ông giơ lên bảo: "Tui ăn nốt nhé!". Nói rồi, ông đưa lên miệng và chén nốt. Cái đầu rắn cứng như thế mà vẫn bị chén ngon lành.

Ai cũng lo ông sẽ bị chất độc xâm nhập cơ thể, gây biến chứng, nhưng ông bảo chả có gì phải sợ. Ông đã chén cả một con rắn hổ mang chúa to bằng cổ chân, dài 4m, chén hết con hổ mang bằng cái ống tuýp nước, nhưng chả thấy có biểu hiện trúng độc gì. Thậm chí, ông còn liều lĩnh kiểm nghiệm cơ thể mình có khả năng kháng độc ra sao bằng cách... cho rắn hổ mang chúa cắn, nhưng cũng chả thấy chết.

Chuyện này tưởng hoang đường, nhưng về mặt khoa học có thể giải thích được. Khi cơ thể thường xuyên tiếp nhận một lượng nọc độc tăng dần, sẽ có khả nàng đề kháng và hệ thần kinh sẽ không bị nọc độc phá hủy.

Nọc độc rắn vào cơ thể lượng nhỏ còn có khả năng chữa một số bệnh về khớp. Tóm lại, xem buổi biểu diễn, cùng video mà tôi quay và hàng trăm tấm ảnh, thì tôi khẳng định mọi bộ phận của con rắn, từ nọc độc, máu, đến ruột, tim, gan, phèo phổi, dạ dày, thậm chí cả phân của con rắn... cũng bị ông Tùy chén hết, không bỏ đi một tẹo nào.

Khi con rắn vừa chui hết vào trong bụng, một cậu thanh niên đi làm đồng về ghé qua xem. Trên tay anh ta xách một con ếch to chừng cổ tay. Con ếch bị buộc dây ở bụng, đang nhoài nhoài như muốn chạy thoát. Cậu thanh niên này tóm được con ếch ở bờ mương khi đi làm đồng, định mang về làm chả.

Mọi người đồng thanh đề nghị hiến con ếch cho buổi biểu diễn và anh ta đồng ý liền. Dường như chén con cóc, con rắn và mấy con côn trùng chưa chắc dạ, ông Tùy nhìn con ếch với vẻ thèm thuồng. Không cần rửa ráy gì, mặc đá cát dính trên bộ da nhớp nhúa của con ếch, ông Tùy không chút e dè, đưa ngay con ếch đang giẫy nhoai nhoải lên miệng và "phập một cái" đứt luôn nửa con.

Bộ lòng con ếch nhều nhệu chảy ra ngoài, anh ta đưa nốt lên miệng mút sạch sẽ. Khi những người chúng kiến còn chưa hoàn hồn thì nửa trên con ếch đã chui nốt vào trong cải miệng to đùng của anh ta. Trông ông Tùy nhai sống con rắn, rồi đến con ếch, với máu me dính đầy môi mép, tôi không thể tưởng tượng trên đời lại có một người kỳ lạ như thế. Ông có một cái gì đó thực sự hoang dại...

 

Theo Bóng đá & Cuộc sống

.