Từ xưa cho tới nay, câu chuyện về những cổ vật là đồ tùy táng luôn được bao trùm bởi những lời đồn thổi nhuốm màu ma mị tâm linh. Người nào lấy trộm hoặc có được những thứ không phải của mình sẽ bị quả báo. Nhưng dù rùng rợn ma quái đến đâu, dù cho những lời nguyền quả báo có ám ảnh thế nào đi chăng nữa thì những món đồ cổ có giá vẫn luôn có sức hút đối với những kẻ khoét ngạch trộm cổ vật…
 
 
“Siêu trộm” khuấy đảo Cung đình Huế và việc báo mộng của tiền nhân
 
Trong một khoảng thời gian dài cuối năm 2010, dư luận TP Huế sôi sục trước thông tin kẻ gian đã liên tiếp đột nhập vào Đại Nội, Điện Thái Hòa, Lăng Vua Minh Mạng, Lăng Vua Thiệu Trị, Lăng Vua Khải Định, Đền thờ Huyền Trân Công chúa… để trộm cắp tiền ở trong các hòm công đức và nhiều món cổ vật có giá trị lớn. Tổng giá trị số tài sản bị đánh cắp lên tới hơn 1 tỷ đồng. Vụ việc kéo dài mãi cho tới tháng 4-2011, trong lúc dấu vết tên trộm “xuất quỷ nhập thần” vẫn như bóng chim tăm cá thì một sự việc hy hữu đã xảy ra. 
 
Khoảng 21h ngày 27-4-2011, tại di tích lăng vua Thiệu Trị nằm trên địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy lại xảy ra một vụ trộm khác. Tên trộm đã cẩn thận giấu xe máy ở bờ hồ cá trong khu vực lăng, rồi mang theo dụng cụ ung dung trèo lên cột cổng Nghi Môn dùng cưa cưa đứt 1 thanh đồng rơi xuống đất. Thấy tiếng động lạ, nhân viên bảo vệ lăng Thiệu Trị lập tức đổ về phía tiếng động. Không nhận ra mình đã bị bao vây, tên trộm vẫn ung dung cưa tiếp thanh đồng thứ 2. Khi đang cưa thanh đồng thứ 2 thì y mới hoảng hồn khi thấy mình đã bị phát hiện. Nhanh chân nhảy xuống, ba chân bốn cẳng chạy đến lấy xe máy bỏ chạy. Chẳng hiểu vì lý do gì, giữa đường lớn thênh thang, tên trộm lái xe tông thẳng vào một hòn đá trên đường. Vứt bỏ lại xe máy, đôi giày, mũ bảo hiểm... như một bóng ma, hắn lủi vào một bụi cây gần đó trốn mất dạng. 
 
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, tên trộm lạ đời này đã bị lực lượng chức năng tóm gọn khi đang ngủ trong nhà. Lúc này chân dung “siêu trộm” được xác định là Nguyễn Tiến Khanh (37 tuổi), trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Cho tới lúc bị bắt, Khanh khai nhận đã thực hiện trót lọt 9 vụ trộm cắp tài sản tại các lăng vua triều Nguyễn như lăng Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định; ở Điện Thái Hòa nằm trong Đại Nội và Đền thờ Huyền Trân Công chúa. Theo lời khai của “siêu trộm” này, sau nhiều lần tham quan khu Đại Nội, Cung đình Huế, Khanh nhận ra bảo vệ nơi đây có nhiều sơ hở. Y đã lên kế hoạch cho việc trộm cắp các cổ vật Cung đình Huế và hòm công đức ở đây. 
 
Chiều ngày 29-8-2010, Khanh chuẩn bị “đồ nghề” gồm: 1 tuốc-nơ-vít, một đôi găng tay màu đen, 1 con dao cắt kính, 1 cuộn băng keo dán và 1 chiếc đục sắt… tất cả được cho vào một cái túi du lịch màu đen rồi lên đường hành sự. Sau khi mua vé để vào tham quan di tích lịch sử Đại Nội - Huế như những người khách bình thường khác, Khanh đến khu vực đang xây dựng ở Điện Thái Hòa ẩn nấp trong ngổn ngang gạch vụn công trường mà không ai mảy may phát hiện. Nửa đêm, khi thấy nhân viên bảo vệ của khu vực này rời vị trí để vào nhà, Khanh chui qua ô cửa kính đã bị y đập vỡ từ trước đó, tiếp cận vị trí đặt hòm công đức rồi dùng đục sắt cạy khóa lấy đi 10 triệu đồng. Vốn sẵn ngón nghề trèo tường khoét vách, đặc biệt cộng thêm vóc dáng nhỏ con, tên trộm liều lĩnh này liên tục ra tay trót lọt ở nhiều địa điểm khác. 
 
Đặc biệt, khuya ngày 30-11-2010, Khanh đã đột nhập vào Điện Khải Thành ở lăng vua Khải Định trộm 4 triệu đồng tiền công đức. Liền sau đó, hắn vào Phòng trưng bày hiện vật, dùng đục sắt cạy cửa tủ để lấy đi 10 hiện vật cổ đang được trưng bày ở đây gồm: bình vôi, ống, cái bỏ trầu, bộ xoáy trầu, bình rượu, gạt tàn thuốc, ấm... đều bằng bạc, khay bằng đồng và hai chén kim loại màu vàng… Số hiện vật trên được Hội đồng định giá Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, Khanh bán 8 hiện vật bằng bạc lấy 13 triệu đồng, còn hai chiếc chén kim loại màu vàng Khanh khai đã làm rơi mất. Ngày 24-7-2012, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa xét xử tên trộm gây ra hàng loạt vụ trộm cổ vật và đã tuyên phạt Nguyễn Tiến Khanh 16 năm tù. Cho đến lúc được đưa ra xét xử, “siêu trộm” vẫn một mực cho rằng sẽ đi đầu thú vì liên tục nằm mộng thấy giấc mơ tiền nhân tìm mình quát nạt đòi trả lại đồ vật. Chỉ có điều y chưa kịp thực hiện thì đã bị cơ quan công an tìm ra, bắt y về quy án.
 
Ông lão hộ lăng 3 lần được báo mộng
 
Trong số những chuyện ly kỳ quanh những kẻ trộm mộ, ăn cắp cổ vật tại các lăng tẩm, có lẽ phải kể đến câu chuyện của ông lão Nguyễn Lô - người đã tự nguyện dựng lều gác lăng chúa Nguyễn Phúc Thái. Lăng chúa Nguyễn Phúc Thái nằm ở vùng rừng núi heo hút tại thôn Kim Ngọc (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đường vào lăng chỉ độc đạo con đê nhỏ được bao quanh bởi những hồ sâu nhằm ngăn những kẻ muốn động đến giấc ngủ vĩnh hằng của chúa Nguyễn Phúc Thái. Án ngữ ngay trên con đê đó là một túp lều tranh đơn sơ. Theo lời kể của ông lão da sạm đen vì nắng gió, ông vốn là hậu duệ của những người mộ phu xây lăng cho các vua, chúa thời Nguyễn năm xưa. Dòng tộc ông vẫn cha truyền con nối nhiệm vụ chăm sóc, canh gác cho giấc ngủ của Ngài hoàng. Nhiều năm trông nom, quét tước dọn dẹp phủ chúa, ông lão ngoài 80 đã gặp không ít những điều kỳ lạ liên quan đến những kẻ đào trộm mộ vẫn ngày đêm rình mò lăng  tìm cổ vật, đồ tùy táng. Theo lời ông, nếu như ông không được những vị tiền nhân báo mộng để giữ tài sản thì một thân một mình sống giữa nơi thâm sơn cùng cốc, chắc ông không thể bảo vệ nổi lăng chúa trước lòng tham không đáy của những tên trộm mộ. 
 
Ông lão kể lại rằng, đã nhiều lần những kẻ đào trộm mộ tìm đến lăng Ngài hoàng để đào bới, trộm cổ vật. Nhưng có lần thì bị lạc trong rừng, có lần thì bị người dân phát hiện, truy đuổi. Có những kẻ liều lĩnh lẩn dưới làn nước hồ sâu bơi về phía lăng để tính kế đào phá nhưng đều bị ông phát hiện. Song, có 3 lần ông nhớ mãi và đến bây giờ ông vẫn không thể giải thích nổi sự linh thiêng ở những nơi lăng vua phủ chúa. Là người từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều khi một mình đơn độc giữa rừng hoang núi thẳm, ông vốn không tin chuyện điềm báo mộng, tiên tri hay ma quỷ nhưng ông Nguyễn Lô khẳng định nhiều lần kẻ trộm có ý định ra tay, ông đều được một vị tiền nhân hiển linh trong giấc mộng để báo cho biết nơi chúng sẽ tìm cách xâm nhập, thời gian cụ thể vào lúc nào để từ đó ông đề phòng, kịp thời ngăn cản. 
 
 Lần đầu tiên, khi đang chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt nhọc, vị tiền nhân đã xuất hiện trong giấc mộng để báo cho ông. Dù bán tín bán nghi, ông vẫn lần tìm ra nơi được chỉ mộng. Quả nhiên, có 3, 4 người đang lúi húi đào bới, thấy ông đánh động chúng bèn vứt hết cả cuốc xẻng bỏ chạy. Sau đó, còn có 2 lần trong giấc mơ của ông, vị tiền nhân mặc đồ hoàng tộc màu đỏ lại xuất hiện báo cho ông biết có kẻ định đột nhập, đào trộm lăng. Cũng nhờ có thế, chưa lần nào những kẻ trộm mộ thành công. Đến nay, khi tuổi già sức yếu, ông lão hộ lăng đang tính đến việc truyền lại công việc linh thiêng này cho người con trai cả để bảo vệ nơi yên nghỉ của Ngài hoàng. Cả ông Lô và người con trai cả Nguyễn Cường đều khẳng định, dù đây là công việc không lương, nguy hiểm luôn rình rập nhưng anh linh các vị tiền nhân sẽ luôn bảo vệ cho họ, như đã từng 3 lần báo mộng cho ông. Những người hộ lăng này còn cho rằng chính sự linh thiêng của nơi đây, những kẻ trộm mộ sẽ nhận kết cục như đã từng xảy ra như trong vụ trộm chấn động Cung đình Huế tại lăng bà Từ Dũ.
 
Đào địa đạo trộm lăng Hoàng Thái hậu
 
Cách đây đã gần 30 năm, một vụ đào mộ động trời đã khiến dư luận xôn xao khi 6 tên trộm mộ đào một đường hầm dài dẫn từ sông Hương vào khu lăng mộ của Hoàng Thái hậu Từ Dũ (Từ Dụ). Khi sự vụ bị phát hiện, lăng bà Từ Dũ đã bị kẻ gian lấy đi nhiều hiện vật quý hiếm. Dù đã tóm gọn cả 6 tên trộm mộ, nhưng phải mất nhiều năm sau cơ quan công an mới tìm lại được 18 hiện vật. Dư luận cho rằng số hiện vật bị lấy mất còn gấp nhiều lần như thế. Thực tế, các cán bộ văn hóa ở Huế thời điểm đó đều khẳng định con số có thể lớn hơn nhiều số hiện vật mà cơ quan chức năng tìm lại được. Tất cả đều là những bảo vật tinh hoa xưa dùng trong cung đình Huế. Trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm như một vòng kim loại bằng vàng ở giữa có khắc 4 chữ Hán (?), một vòng treo tay kim loại màu vàng có đính 11 hạt trắng lóng lánh, sáu chiếc nhẫn bằng vàng trên có đính một hạt trắng lóng lánh; ba hộp kim loại màu vàng; một miếng kim loại màu vàng trên có nhiều hạt li ti màu trắng; 23 hạt bằng đá đủ màu đeo hình khuy nút; 7 mặt đá màu xanh, hình chữ nhật, trên mặt đá có hình chim phượng, sáu mặt đá màu xanh hình tơ (?) trên mặt khắc hình chim phượng; 3 mặt đá màu xanh hình vũm trên khắc hình con phượng… Đáng tiếc, số hiện vật này đã bị đem ra “hóa nghiệm” thành 13 lượng 9 chỉ 5 phân vàng, 0,01 kg bạc và 1980 ca-ra ngọc. Tất cả số vật chất này chuyển cho công ty vàng bạc bán được 23.325.122 đồng (thời giá quy đổi năm 1988 là 2.300.700đ/ lượng). Số vòng ngọc bị rỗ, có cái bán 4.000đồng, có cái chỉ bán được 2.000 đồng (tương đương một lon bia của khách sạn du lịch thời bấy giờ). Lấy số tròn là 23.300.000 đồng, tất cả được Tòa án ra quyết định sung công quỹ. Một phần trong số đó là do những tên trộm nấu chảy để đem bán. Số hiện vật đó, theo các chuyên gia đầu ngành về cổ vật có giá trị lên tới hàng triệu USD giờ đã trở thành những cục kim loại vô tri. 
 
Đáng trách đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết của những tên trộm, những bảo vật bị lấy để tiện việc chia chác, 6 tên hò nhau đem nấu chảy. Những hiện vật quý hiếm, thể hiện tinh hoa điêu khắc, tạo hình của các nghệ nhân xưa có giá nhiều tỷ đồng nhanh chóng bị “hóa nghiệm”. Có lẽ bởi hành vi này mà cả 6 tên trộm cho đến nay đều phải nhận những kết cục thảm thương. Theo một cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: “Sau khi mãn hạn tù do hành vi trộm cắp của mình, 3 trong số 6 tên trộm mộ đã chết bất đắc kỳ tử. 2 người thì bỏ đi lang thang biệt xứ. Một người thì phát điên lảm nhảm linh tinh suốt ngày đêm”. 
 
Thế nên người dân vẫn tin vào những điều quả báo và cho đó là cái giá phải trả. Song, cũng có thể đó chỉ là sự trùng hợp khó lý giải. Nhưng chính từ những mốc đen trong lịch sử đó, cổ vật Kinh thành Huế đang ngày một biến mất cả công khai lẫn âm thầm, lặng lẽ.
 
Theo ANTĐ