Khi mọi người cùng đặt ngửa bàn tay xuống mặt bàn, chưa tới 3 phút, lại nghe tiếng rắc... rắc... dưới gầm bàn, rồi mặt bàn đột nhiên "trở mình" rùng rùng quay ngược chiều kim đồng hồ...

 
 
Theo lời lão nghệ nhân Đinh Thẩm, cùng với làng mộc Kim Bồng (Hội An), làng mộc Văn Hà là một trong những làng nghề cổ xưa nhất ở Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông từng nghe ông cố kể rằng, vị Tổ nghề mộc Văn Hà có gốc Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào lập làng từ thời Vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV).
 
Uống cạn bát nước chè xanh, lão nghệ nhân Đinh Thẩm trầm ngâm rằng, chưa tròn 17 tuổi ông đã nối nghiệp cha theo học nghề mộc từ những người thợ giỏi của Văn Hà. Nói về chiếc bàn gỗ tự xoay, ông Thẩm khẳng định, chỉ có thợ làng Văn Hà ngày xưa mới làm được. Bản thân ông cũng đã làm 4 - 5 chiếc bàn như thế.
 
"Ngày xưa chỉ có nhà giàu mới mua nổi chiếc bàn xoay của thợ mộc Văn Hà vì giá mỗi chiếc bàn cao lắm. Có những chiếc bàn giá tính bằng cả con trâu, hoặc mấy trăm ang lúa...", ông lão nheo mắt nhìn ra vườn cây xanh mát như hồi tưởng lại thời "hoàng kim" của người thợ mộc Văn Hà. Ông giải thích, lúc đầu thợ mộc Văn Hà chỉ nghĩ ra việc chế tác chiếc bàn tròn để dùng trong thờ cúng, về kỹ thuật, kích thước hầu như đều như nhau. Bàn được làm bằng gỗ mít, loại mít vườn lâu năm.
 
Bản thân lão nghệ nhân Đinh Thẩm cũng không biết rõ, ai là người đầu tiên chế tác được chiếc bàn xoay. Tuy nhiên, đã nhiều đời nay, khi muốn làm bàn xoay người thợ buộc phải chọn gỗ mít hàng trăm năm tuổi, có ròng (lõi) vàng rực, đem xẻ ra phơi phóng cho thật kỹ, thật khô mới đưa vào chế tác. Đặc biệt, phải chọn những tấm gỗ không bị sâu, không bị mắt, không nứt, không vặn thớ...
 
Đầu tiên, người thợ làm bộ chân bàn, có 3 chân lượn sóng đặt gắn với trụ chính đỡ mặt bàn theo thế chân kiềng. Quan trọng nhất vẫn là bộ trục có 12 trụ tiện hình bình hoa nhỏ gắn khớp với mặt bàn, buộc người thợ phải chế tác theo một kỹ thuật nhất định. Đây cũng là bí quyết rất riêng chỉ có người thợ Văn Hà mới biết và làm thành thạo. Còn mặt bàn hình tròn, gỗ có thể liền tấm, hoặc có thể ghép hai miếng với nhau, song tuyệt đối không được cong vênh.
 
Ông Thẩm kể rằng, năm 2010, khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhờ ông sửa chữa, phục chế lại hai chiếc bàn tròn tự xoay để mang đi hội chợ triển lãm sản phẩm độc đáo làng nghề truyền thống Quảng Nam, nhiều người đến với ý định đặt ông làm cho một chiếc bàn mới. Nhưng, bây giờ gỗ mít loại lớn rất hiếm, hơn nữa sức khỏe ông đã yếu, không thể một mình cưa xẻ, chạm khắc.
 
Rồi ông lão thở dài: "Làng mộc Văn Hà ngày nay đã mai một dần. Số người nắm được kỹ thuật, bí quyết nghề mộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng cũng có chục hộ làm nghề mộc, nhưng bây giờ người ta phụ thuộc vào máy móc, hơn nữa chỉ làm những sản phẩm không cần tay nghề cao, không cần cầu kỳ, tinh xảo...".
 
Đầu năm 2012, ông được chính quyền huyện Phú Ninh mời truyền dạy nghề mộc truyền thống cho thanh thiếu niên. Lớp học của dự án có 10 người, song chỉ còn 4 người chịu khó học, nắm bắt được những kiến thức sơ đẳng... Điều này khiến lão nghệ nhân Đinh Thẩm khi nhắc tới nghề mộc làng Văn Hà là đôi mắt lại rưng rưng bởi có thể mai này những "bí quyết" chế tác độc đáo của tiền nhân làng nghề truyền thống này cũng sẽ không còn.
 
An ninh Thế giới
.