Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, hôm nay (26/9).
|
|
Thủ tướng cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều. Ảnh:VGP |
Thủ tướng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công…
Năm 2022, tổng vốn đầu tư công khoảng 580.000 tỉ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỉ đồng so với năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, ban hành 10 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề, gần đây nhất là Nghị quyết số 124/NĐ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, cùng 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo; tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác, tiến hành 3 đợt kiểm tra vào tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 8/2022…
Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã ban hành 118 văn bản ở cấp trung ương gồm 2 nghị định của Chính phủ; 23 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 41 thông tư, quyết định, văn bản, kế hoạch cấp bộ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện; 52 văn bản điều hành, hướng dẫn, giải đáp tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực, khẩn trương phân bổ và giao kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị, ban chỉ đạo; tuyên truyền, thông tin rộng rãi về các chương trình mục tiêu quốc gia…
|
|
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện. Ảnh:VGP |
Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; mặt khác, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm.
Theo các báo cáo, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra. Còn 16 bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công và 16 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp dưới 20%.
Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mới có 38/63 địa phương đã cân đối, bố trí trên 13.400 tỉ đồng từ vốn từ ngân sách địa phương; đến cuối tháng 9/2022, giải ngân từ ngân sách trung ương ước đạt gần 927 tỉ đồng, bằng 2,86% kế hoạch.
Cũng theo các báo cáo và ý kiến tại hội nghị đã nêu rất cụ thể 25 loại tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 3 nhóm đó là: khăn thứ nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm; Nhóm khó khăn về công tác triển khai và nhóm khó khăn thứ ba mang tính đặc thù của năm 2022…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nguyên nhân chính là tổ chức thực hiện, trong đó có việc phát hiện kịp thời các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách và các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án mà khi lập dự án chưa thể lường trước được như biến động giá cả xăng dầu vừa qua.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20/10, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.
Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị các cấp cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố tham mưu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tham gia…
Các địa phương cần hết sức quan tâm nắm bắt tình hình, tổng hợp, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, gợi ý các giải pháp, các bộ, ngành khẩn trương xử lý ngay. Những vấn đề liên quan đất đai, rừng, nguyên vật liệu thì Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, những vấn đề thủ tục, nguồn vốn thì Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Ông cũng đề nghị rà soát lại các quy định, chủ động sửa đổi, bổ sung và đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Đồng thời, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương động viên các nhà thầu, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động.
Về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác…
Ngoài ra, giao các cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành chỉ thị để tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc công tác này.