Nhiều năm qua, hoạt động kinh tế-xã hội trên các lưu vực sông lớn hoặc cửa sông ven biển nói chung, lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy nói riêng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động. 

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy nói riêng, các lưu vực sông lớn, cửa sông ven biển nói chung đang ngày càng gia tăng. 

leftcenterrightdel
 Hình ảnh một đoạn nhánh sông Nhuệ nổi đầy bọt trắng năm 2018. (Ảnh:Internet)

Nguyên nhân chủ yếu do nước thải sinh hoạt của nhân dân ở các quận nội thành Hà Nội đổ vào sông Tô Lịch và từ đó chảy vào sông Nhuệ. Ngoài ra, sông Nhuệ còn là nơi tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý; tình trạng đổ phế thải, rác thải xuống các sông chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Tình trạng ô nhiễm khiến người dân sống cạnh sông luôn phải chịu mùi hôi thối bốc lên nhất là đợt nắng nóng vừa rồi. Các sinh vật sống dưới nước cũng không thể sống và tình trạng cá chết rất nhiều tại các con sông.

Ngày 23/5/2019 trên đoạn kênh thuộc thôn Phương Thượng xã Lê Hồ huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam người dân phát hiện ra cá chết hàng loạt bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh nơi này.  

leftcenterrightdel
 Cá chết trắng đoạn kênh thuộc thôn Phương Thượng xã Lê Hồ huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Đàm Phương)

leftcenterrightdel
 Đoạn kênh này được người dân gọi là Cống Lò, thông trực tiếp với sông Nhuệ.

Anh N.T.T trú tại xã Lê Hồ huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam cho biết: “Năm nào vào thời điểm tháng 5 và tháng 7 các con kênh tại địa bàn huyện đều sẽ bốc mùi khó chịu, năm 2018 rất nhiều bọt trắng có mùi hôi thối xuất hiện khiến người dân bị ảnh hưởng. Năm nay lại là từng mảng cá chết, vài hôm nữa nắng lên khu vực này sẽ bốc mùi hôi thối”

leftcenterrightdel
 Màu nước đen đặc cùng xác cá chết lềnh phềnh khiến người dân xung quanh lo sợ cho môi trường sống của mình.

leftcenterrightdel
 Ô nhiễm tại khu vực sông ngòi ở Hà Nam không phải là chuyện ngày một ngày hai mà đã diễn ra cả vài năm.

Hiện nay, qua điều tra, trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó, 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề. 

Nước thải sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 83,9% toàn vùng; nước thải khu/cụm công nghiệp khoảng 4,51%; nước thải làng nghề khoảng 10,83%; nước thải y tế 0,76%. 

Và nếu tình trạng xả thải vô tội vạ, không kiểm soát này vẫn tiếp tục thì không chỉ các con sông thuộc tỉnh Hà Nam, mà các sông ngòi, kênh rạch thông với những con sông nói trên đều sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hi vọng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ sớm có phương án xử lý và giải quyết tình trạng ô nhiễm này để người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ không bị ảnh hưởng.

Đàm Phương