Hàng được dồn ở các kệ bên cạnh để tối ưu hóa việc trưng bày.

 

Mới đây, thông tin phản ánh từ NTD cũng như ghi nhận thực tế tại siêu thị Big C cho thấy tình trạng quầy kệ của các ngành hàng thực phẩm chế biến như mì ăn liền, phở, gia vị nước chấm đến các loại trà, nước xả vải… tạm thời hết hàng, sắp hết hàng.
 
Đang kinh doanh 50.000 mặt hàng
 
Bà Dương Thị Huỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, cho biết hiện nay tại Big C không có tình trạng thiếu hàng bất thường. Siêu thị đang kinh doanh khoảng 50.000 mặt hàng. Việc tại một thời điểm nào đó có thiếu một số mặt hàng trong một thời gian ngắn là bình thường trong kinh doanh siêu thị.
 
Cũng theo bà Trang, trước đây, khi một mặt hàng bị thiếu, tùy tình hình hàng hóa trong nhóm hàng mà nhân viên để trống quầy hoặc dồn hàng ở các kệ bên cạnh sang để tối ưu hóa việc trưng bày.
 
Khách hàng chọn hàng hóa tại siêu thị.
Khách hàng chọn hàng hóa tại siêu thị.
 
Hiện nay để thuận tiện hơn cho khách hàng trong quá trình mua sắm, Big C đã quyết định để trống tất cả vị trí thiếu hàng và ghi bảng thông báo để họ không phải mất thời gian tìm kiếm, đồng thời giúp nhân viên Big C nắm rõ tình trạng hàng hóa và có giải pháp đặt hàng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng thiếu hàng, Big C đang liên kết với các nhà cung cấp để triển khai hệ thống đặt hàng tự động, dự kiến sẽ hoàn tất trong vài tháng tới.
 
Cách đây khoảng hai năm tại Big C cũng xảy ra tình trạng tương tự khi những băng rôn với dòng thông báo do big C từ chối các yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp, một số nhà cung cấp đã ngưng giao hàng dẫn đến việc thiếu hàng trong siêu thị…
 
Cần chia sẻ với NTD
 
Mặc dù lần này nhà bán lẻ Big C không nêu nguyên nhân để trống quầy kệ vì nhà cung cấp tăng giá nhưng chuyên gia bán lẻ nhìn nhận điều này sẽ gây khó khăn cho NTD. Bởi NTD đã quen sử dụng sản phẩm của thương hiệu này, nếu sử dụng sản phẩm tương tự cũng không thoải mái. Ngoài ra, trường hợp này còn có lý do nhạy cảm là do đàm phán về giá, về chiết khấu… giữa hai bên chưa được thỏa mãn. Siêu thị sẽ ngưng nhập hàng, đến khi nhà cung cấp không chịu được sẽ rút hàng khỏi quầy và siêu thị sẽ có nhãn hàng riêng thay thế.
 
Trong cuộc họp mới đây, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trong bối cảnh sức mua khó khăn, vấn đề giá được các nhà bán lẻ rất cân nhắc và nhà cung cấp cũng dè chừng. Các siêu thị đều liên tục khuyến mãi nên việc tăng giá là rất khó. Theo các chuyên gia bán lẻ, việc chia sẻ giữa nhà bán lẻ và cung cấp là rất cần thiết để kích cầu sức mua. Nhà cung cấp hạn chế tăng giá và nhà bán lẻ có thể giảm bớt chiết khấu…
 
Theo Phapluattp.vn