Cuối năm 2015, tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang xảy ra một vụ người dân tự ý bán đất rừng để làm nghĩa trang. Điều đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, người mua đã kịp chôn cất phần mộ người thân tại đó và xây tường bao quanh mảnh đất này thành khu vườn biệt lập, gây hoang mang đối với người dân sống lân cận và nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài.
 
 
Cùng với vụ việc ở xã Hòa Ninh, cho thấy công tác quản lý đất rừng ở Hòa Vang cần siết chặt hơn nữa.
 
Mua bao nhiêu cũng có
 
Trong vai người có nhu cầu mua đất làm nghĩa trang gia tộc, chúng tôi đến khu vực nghĩa trang tự phát tại thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương để tìm hiểu. Được biết, ông Nguyễn Trí vốn là người dân thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, có nhiều đất trồng cây đem bán làm nghĩa trang.
 
Ông Trí cũng xác nhận đã bán đất cho nhiều người ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để làm nghĩa trang gia tộc và việc chôn cất, xây tường bao diễn ra đến nay chẳng hề hấn gì. Hiện ông vẫn còn gần 1.000m2 đất rừng bán làm nghĩa trang.
 
“Mua bán trao tay có xác nhận của trưởng thôn. Nếu chẳng may bị chính quyền phát hiện thì tôi sẽ nộp luôn khoản phí chuyển nhượng công khai phá, chứ không phải chuyển nhượng đất như hợp đồng đã ký nên không cần phải lo lắng”, ông Trí cho biết.
 
Chỉ tay về khu đất đã bán cách đây 4 tháng, ông cho biết thêm, người mua đã chôn cất mộ từ trước Tết nguyên đán đến nay, dù sát đường dân sinh nhưng vẫn không bị chính quyền làm “khó dễ”.
 
Được biết, đây là khu nghĩa địa tự phát chủ yếu của người dân thôn Nam Thành chôn cất từ sau năm 1975 đến nay. Vào khu nghĩa địa có một con đường đất khá hẹp dẫn sâu vào rừng, dọc con đường này rải rác có nhiều khu đất được khoanh vùng, xây tường bao để làm nghĩa trang gia tộc.
 
Thậm chí, một số mảnh đất rộng hàng ngàn m2 đã bị người dân chặt bỏ những cây keo 2 năm tuổi để san ủi, cải tạo thành từng khoảng đất có phân bậc cao thấp.
 
Thấy khách lạ vào khu vực nghĩa địa, một người đàn ông tự xưng tên Tiến chủ động đến dò hỏi. Ông Tiến cho biết, đã bán cho nhiều người dân nội thành lên tìm mua từ năm 2000. Theo đó, giá mỗi m2 chỉ trên 100.000 đồng, còn hiện tại lên đến 200.000 đồng.
 
“Đây là khu đất đẹp, tựa núi, chân đạp ra hướng đông, địa thế đẹp nên người mua rất chuộng, đặc biệt là làm nghĩa trang gia tộc. Bán đất này chỉ cần giấy viết tay, bảo đảm không có tranh chấp, không cần chứng nhận của xã. Cứ có đất, khi có người chết đem lên chôn là được, muốn mua bao nhiêu cũng có”, ông Tiến khẳng định.
 
Sau khi hợp đồng mua bán được tiến hành, nếu người mua có nhu cầu, ông Tiến sẽ lo luôn phần việc xây tường bao, làm mộ thuê.
 
Mới phát hiện 1 trường hợp?
 
Khu nghĩa địa tự phát và khu đất trồng cây rừng đang bị người dân bán làm nghĩa địa nói trên thuộc sự quản lý của xã Hòa Khương. Trong khi đó, những người sử dụng khu đất ấy thuộc thôn Nam Thành, xã Hòa Phong từ bấy lâu nay.
 
Trao đổi với ông Đinh Ngọc Thiên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương, được biết do ranh giới địa chính nhập nhằng, chưa có sự phân định rõ ràng nên rất khó khăn trong công tác quản lý và phát hiện sai phạm. Ông Thiên cho biết, từ trước đến nay mới phát hiện duy nhất 1 vụ do ông Nguyễn Trí bán lại cho “người nhà” để dùng chôn người thân (?!).
 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, tình trạng bán đất rừng làm nghĩa trang đã được người dân địa phương phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri trong năm 2015 (thời điểm đó ông Trí là Phó Chủ tịch HĐND xã) và đã được địa phương chuyển ý kiến lên huyện.
 
Về việc xử lý vi phạm hành vi mua bán đất rừng trái với Nghị định 102 của Chính phủ, lãnh đạo xã Hòa Khương cho biết đã tiến hành xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ phần tường bao quanh đối với trường hợp ông Nguyễn Trí.
 
Tuy nhiên, vì ông Trí không thực hiện nên buộc xã phải ra quyết định cưỡng chế. “Thời gian chuẩn bị cưỡng chế thì nhận được quyết định của thành phố về quy hoạch khu nghĩa trang tự phát tại thôn Phước Sơn nên xã đã làm báo cáo trình UBND huyện chờ ý kiến chỉ đạo”, ông Cao Văn Tấn, cán bộ địa chính xã Hòa Khương cho biết.
 
Riêng khu đồi Thành Lồi, nơi đang diễn ra việc mua bán đất rừng làm nghĩa trang khá sôi nổi (theo giới thiệu của ông Tiến), cả ông Thiên và ông Tấn đều cho biết, chưa xác nhận cụ thể đây thuộc đất quản lý của xã nào (Hòa Khương hay Hòa Phong, Hòa Phú), nên “chưa nắm rõ” (?).
 
Việc để xảy ra liên tiếp vụ việc người dân tự ý cải tạo đất rừng để bán làm nghĩa trang đang diễn ra phức tạp tại các xã ở huyện Hòa Vang cho thấy có lỗ hổng lớn trong công tác quản lý đất trồng rừng. Giải pháp nào ngăn chặn tình trạng trên tái diễn đang là bài toán khó cho các cấp chính quyền huyện Hòa Vang.
 
Theo Báo Đà Nẵng
.