(BVPL) - Chuyện các “ông lớn” là doanh nghiệp ngoại thâu tóm các doanh nghiệp Việt là thực trạng đang diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc một “gã khổng lồ” như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) “kiện” một doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực mỹ, dược phẩm đang là vấn đề “gây sốt” trong giới kinh doanh.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho thấy, đơn vị bị “ông lớn” Unilever Việt Nam khiếu nại là Công ty CP Sao Thái Dương. Sản phẩm bị khiếu nại là dầu gội dược liệu Thái Dương 7. Trong các thông tin “tố” Sao Thái Dương, Unilever Việt Nam cho rằng: “Thành phần dầu gội dược liệu Thái Dương 7 có chứa chất “Ketoconazole” – là một dược chất không được phép dùng trong mỹ phẩm.
|
Công văn của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định Ketoconazole không thuộc danh mục thành phần chất cấm |
Sau khi tiếp nhận tài liệu, chứng cứ của Unilever Việt Nam, ngày 13/6/2016, đoàn thanh tra của Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã vào cuộc, xác minh tại Công ty CP Sao Thái Dương và các hồ sơ liên quan tại Sở này.
Dựa trên kết quả của đoàn thanh tra, ông Văn Tất Phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam ban hành Kết luận số 791/KT-SYT, khẳng định: “Chất Ketoconazole không nằm trong danh mục thành phần chất cấm, các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng và điều kiện sử dụng trong công thức sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 14 Thông tư 06/2011/TT-BYT. Kết quả nghiên cứu cho thấy Ketoconazole có tỷ lệ nồng độ, hàm lượng 0.5% trong sản phẩm dầu gội dược liệu Thái Dương 7 chưa gây mất an toàn cho người tiêu dùng... và đã được đánh giá an toàn trên da người thử nghiệm”.
Cùng đó, Sở Y tế tỉnh Hà Nam viện dẫn Công văn số 15909/QLD-Ttra ngày 18/8/2016 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế khẳng định: “Ketoconazole không thuộc danh mục chất cấm, các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng và điều kiện sử dụng trong công thức sản phẩm mỹ phẩm (Điều 14, Thông tư 06/2011/TT-BYT)”.
Như vậy, thông tin của Unilever Việt Nam về việc “sản phẩm dầu gội dược liệu Thái Dương 7 có chứa chất “Ketoconazole” là một chất cấm không được dùng trong mỹ phẩm” là hoàn toàn không đúng bản chất.
Trên thực tế, chất Ketoconazole đã và đang được sử dụng rộng rãi trong dược, mỹ phẩm từ hàng chục năm nay. Người dùng có thể sử dụng các sản phẩm có chứa chất này để bôi hoặc uống.
Từ lâu, các hãng sản xuất dược, mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới đã đưa chất “Ketoconazole” vào trong các dòng dầu gội như hãng DS Laboratories của Mỹ với sản phẩm Revita Hair Growth Stimulating Shampoo. Trong sản phẩm này bao gồm các thành phần như: Caffeine, Ketoconazole, Biotin (Vitamin H), Aloe Vera (lô hội).
Sản phẩm dầu gội Lipogaine Big 3 Premium Hair Loss của hãng Lipogaine cũng sử dụng “Ketoconazole” và các thành phần khác như: Biotin (vitamin H), Castor oil (dầu thầu dầu), Emu oil (tinh dầu đà điểu), Vitamin B5. Sản phẩm PerfectHair Shampoo cũng có thành phần là Emu oil (tinh dầu đà điểu), Ketoconazole 1%, Acid salicylic, Biotin, Kẽm,...
Theo Công ty CP Sao Thái Dương, sản phẩm dầu gội dược liệu Thái Dương 7 chứa chiết xuất dược liệu kết hợp Ketoconazole đã được công bố với Cục Quản lý Dược, Sở Y tế Hà Nam và được phép sản xuất lưu hành trên thị trường Việt Nam từ năm 2008 đến nay.
Trong dầu gội dược liệu Thái Dương 7 có hàm lượng Ketoconazole chỉ 0,5%. Kết quả nghiên cứu trên động vật tại Đại học Y Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Trần Thị Giáng Hương làm trưởng nhóm kết luận: “Sản phẩm an toàn, không gây độc tính cấp và bán trường diễn trên thỏ thực nghiệm. Tất cả các chỉ số theo dõi tình trạng chung, cân nặng, chức năng tạo máu, chức năng gan, mức độ hủy hoại tế bào gan, chức năng thận và mô bệnh học da, gan, thận đều nằm trong giới hạn bình thường”.
Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Quân Y 103 do PGS.TS Trần Đăng Quyết làm chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Sản phẩm an toàn, không có tác dụng phụ nào khi sử dụng, không ảnh hưởng đến công thức máu, chức năng gan, thận. 98,39% người tình nguyện hài lòng và rất hài lòng về sản phẩm”.
Theo dõi phản hồi của thị trường từ năm 2008 đến nay, đơn vị sản xuất dầu gội dược liệu Thái Dương 7 cho rằng, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng phụ bất lợi nào từ người tiêu dùng. Sản phẩm này đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam cấp Giấy chứng nhận là “Sản phẩm khoa học công nghệ”.
Như vậy, trước các động thái của Unilever Việt Nam đối với Công ty CP Sao Thái Dương và trả lời của cơ quan chức năng, dư luận ngành dược, mỹ phẩm trong nước và người tiêu dùng đặt câu hỏi: phải chăng đây là chiêu cạnh tranh nhằm “dìm hàng” các đơn vị sản xuất nội bằng những thông tin thiếu xác thực?
Đức Bình
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thành, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia đã lên tiếng về việc sử dụng chất này trong mỹ, dược phẩm:
Trên thế giới, điển hình là hãng Janssen Cilag với sản phẩm dầu gội Nizoral Shampoo sử dụng 2% “Ketoconazole” và đang được bán rộng rãi. Với mỗi dạng sử dụng “Ketoconazole” đều có những quy định cụ thể vì không chỉ riêng chất này mà tất cả các chất khác sử dụng trong dược đều có tác dụng chính và tác dụng phụ. Ở Việt Nam có sản phẩm Dầu gội Thái Dương, thành phần gồm 23 vị nhưng “Ketoconazole” chỉ có 0,5%, là mức rất thấp so với các dầu gội nước ngoài khác là 2%. Với nồng độ này thì qua sử dụng lâm sàng, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào có tác dụng phụ. Mặt khác, “Ketoconazole” trong dầu gội thẩm thấu qua da mà da là một cơ quan giống “bức tường ngăn” khá hoàn hảo nên “Ketoconazole” khó gây tác dụng phụ trên da.
Khi các đơn vị đưa “Ketoconazole” vào dầu gội thì đã phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế rồi. Chất Ketoconazole không nằm trong danh mục thành phần chất cấm, các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng và điều kiện sử dụng trong công thức sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 14 Thông tư 06/2011/TT-BYT. Thuốc chứa “Ketoconazole” là thuốc bán đại trà và không phải kê đơn.
|