(BVPL) - Dư luận đang rất quan tâm, tỏ ra bất bình trước vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 88 tấn ruốc khô, chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng, bị can là Mai Thị Tuyết Linh. Vụ án xảy ra, kéo dài nhiều năm, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang ba lần triệu tập phiên tòa, nhưng đối tượng bị tố cáo là kẻ chủ mưu thì vẫn chưa bị khởi tố, người bị hại thì mệt mỏi theo đuổi vụ án, những người “cầm cân nảy mực” thì nhiều lý do, trở nên bế tắc. Có quá nhiều câu hỏi xoay quanh vụ án cần được trả lời thấu đáo.

 

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

 

Theo tài liệu hồ sơ vụ án cũng như đơn trình bày của ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1965), người bị hại, hộ khẩu thường trú tại phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang: Năm 2010, Mai Thị Tuyết Linh (1985) tạm trú phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM, sinh sống bằng nghề buôn bán các mặt hàng thủy sản. Trong quá trình buôn bán đến giữa năm 2012, Linh nợ bà Trần Thị Dung (SN 1966) ngụ tại phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, khoảng 2 tỷ đồng. Do không có khả năng trả nợ, Linh đã cắt đứt liên lạc với bà Dung. Tháng 11/2012, Linh liên lạc với bà Dung và được bà Dung bàn cách lừa số ruốc (tép con phơi khô) của ông Nguyễn Văn Sinh đang gửi ở quận 7, TP.HCM. Lợi dụng lòng tin làm ăn lâu năm, một mặt bà Dung đứng ra bảo lãnh, giới thiệu ông Sinh bán lô hàng cho công ty “Khánh Hòa trung” ở thành phố Nha Trang; mặt khác, bà Dung chỉ dẫn cho Linh mua một sim điện thoại, giả danh tên Trang là Giám đốc của công ty Khánh Hòa Trung rồi liên hệ với ông Sinh, ngỏ ý muốn mua mặt hàng con ruốc với số lượng lớn. Biết ông Sinh đang ở thế bí, do phải thuê kho lưu trữ với chi phí cao, khó khăn tiêu thụ nên khi thấy giữa ông Sinh và Linh chưa thỏa thuận được giá, vì Linh trả giá thấp, bà Dung lại hối thúc ông Sinh, nếu không bán sẽ bị lỗ nặng. Từ ngày 27/11/2012 đến 17/1/2013, Mai Thị Tuyết Linh đã mua của ông Sinh hơn 134 kg con Ruốc khô, với tổng số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Trong vài lần giao dịch đầu tiên, Linh thanh toán đầy đủ ngay sau khi ông Sinh giao hàng với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Để rồi sau đó thực hiện một cú “siêu lừa”, cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt hơn 88kg Ruốc khô, với số tiền gần 4,5 tỷ đồng.

 

Bị cáo Mai Thị Tuyết Linh trước vành móng ngựa ngày 19/5
Bị cáo Mai Thị Tuyết Linh trước vành móng ngựa ngày 19/5

 

Bỏ lọt tội phạm?

 

Vụ án được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án hình sự số 28 ngày 03/09/2013; khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Mai Thị Tuyết Linh ngày 22/04/2014.


Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Linh khai nhận toàn bộ vụ việc, nhưng lại khai mình không phải là người chủ mưu: “Khi còn ở Trà Vinh, trong quá trình kinh doanh mua bán ruốc khô có nợ bà Dung gần 2 tỷ đồng. Bà Dung hướng dẫn tôi chiếm đoạt nguồn ruốc khô của ông Sinh để có tiền trả nợ. Bà Dung còn bảo tôi lấy số điện thoại giao dịch với ông Sinh nhắn vào số của bà ta thừa nhận còn thiếu 2,6 tỷ đồng”.


Theo ông Sinh, lời khai của bị can Linh trùng hợp với sự việc đã xảy ra đối với ông. Ông Sinh cho biết, sở dĩ mình sập bẫy lừa quá dễ dàng là do có sự tiếp tay của bà Trần Thị Dung. Thế nhưng, trong các buổi đối chất giữa bà Dung, Linh và ông Sinh, bà Dung chối phăng các chứng cứ, chỉ thừa nhận có đưa cho ông Sinh xem tin nhắn của Trang còn thiếu nợ 2,6 tỷ đồng để lấy lòng tin. Vì lẽ đó, ông Sinh không nghi ngờ nên tiếp tục giao hàng.


Trong bản kết luận điều tra số 54/KLĐT-PC45, ngày 28 tháng 8 năm 2014 của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang có nêu: “Linh điện cho Dung thì Dung nói: “Việc thiếu nợ chị có gì đâu mà tắt máy, cứ để đó mình tìm cách tính”. Còn trong Cáo trạng của VKSND tỉnh Kiên Giang số 21/KSĐT-KT, ngày 27 tháng 10 năm 2014 cũng xác định, trước khi chiếm đoạt số ruốc khô trị giá gần 4,5 tỷ đồng của ông Sinh, Linh từng là bạn hàng thân thiết của bà Dung. Do làm ăn thua lỗ, không thể thanh toán khoản nợ 2 tỷ đồng nên Linh bỏ trốn. Biết được số điện thoại của con nợ, bà Dung chủ động điện thoại, giới thiệu Linh làm ăn với ông Sinh... Ông Sinh sợ bị lỗ, đồng thời nghĩ Trang là người có thật, do trước đó, ông Sinh điện thoại cho bà Dung hỏi có biết người tên Trang ở Khánh Hòa không, thì bà Dung trả lời là có biết Trang nên ông Sinh đồng ý bán hàng cho Trang, chủ công ty Khánh Hòa Trung ở Khánh Hòa mà thực chất là Linh đóng giả (?).


Dư luận cho rằng, việc không khởi tố bị can đối với Trần Thị Dung là bỏ sót người phạm tội, là không khách quan, toàn diện và đầy đủ trong khởi tố, điều tra, truy tố trong vụ án này, vì nếu không có sự tiếp tay của bà Dung thì giao dịch này đã không xảy ra.

 

Vụ án kéo dài tới bao giờ?

 

Một điều khó hiểu nữa là sau hai lần tạm hoãn vụ án “lừa đảo 88 tấn ruốc” vì nhiều lý do khác nhau, ngày 19/5/2015, TAND tỉnh Kiên Giang tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Nhưng sau phần thẩm vấn bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thẩm phán Lê Thị Kim Cúc đã bất ngờ tuyên bố ngưng xét xử, chuyển hồ sơ vụ án về Toà án TP.HCM xét xử.


Chúng tôi đã có buổi làm việc với thẩm phán Lê Thị Kim Cúc và được bà cho biết: Tội phạm xảy ra tại Quận 7, TP.HCM, vì thế thẩm quyền xét xử không thuộc Toà án tỉnh Kiên Giang. Nếu ông Sinh muốn vụ án xét xử ở Kiên Giang thì phải làm đơn đề nghị với TAND Kiên Giang. Còn vấn đề có bỏ lọt tội phạm hay không là do phía Công an tách riêng hai đối tượng để điều tra và chưa có đủ chứng cứ.


Ông Nguyễn Văn Sinh bất bình khi vụ án bị “ngâm lâu ngày” dây dưa qua nhiều năm, ông và những người liên quan phải nhiều lần chạy lên chạy xuống “chầu chực” chờ toà xét xử. Vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nay lại bất ngờ chuyển hồ sơ vụ án về cho Toà án TP.HCM xét xử. “Tôi đã gởi đơn khiếu nại nhiều nơi ở tỉnh Kiên Giang nhưng không có cơ quan nào trả lời”- ông Nguyễn Văn Sinh, cho biết.
Dư luận tỏ ra nghi ngờ và thắc mắc: Vụ án đang được TAND Kiên Giang thụ lý xét xử thì dừng, chuyển hồ sơ, rồi lại bảo người bị hại phải làm đơn đề nghị xét xử ở Kiên Giang, như thế có đúng với quy định pháp luật? khi chuyển hồ sơ vụ án, liệu Toà án TP.HCM có nhận hồ sơ để xét xử hay không, hay lại trả về? Nếu chuyển thì sao không chuyển ngay từ đầu, mà phải qua đến 3 lần đưa ra xét xử rồi mới đưa ra quyết định chuyển vụ án cho địa phương khác xét xử?  Làm như vậy liệu có quá gây khó khăn cho người bị hại, làm cho vụ án trở nên phức tạp, đi vào ngõ cụt, trong khi mọi tình tiết vụ việc đã quá rõ ràng?


Hà Nhân