(BVPL) - Theo thông tin mới nhất, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Bình Thuận đã chuyển hồ sơ vụ lừa đảo bán gần 500ha rừng tràm người dân để chiếm đoạt tài sản của "Ông trùm Thanh long Hoàng Hậu" - Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Km1711+500 QL1A, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) để tiếp tục điều tra làm rõ.
Phía nạn nhân - Công ty CP XD và GT Châu Á Thái Bình Dương - TP.Vũng Tàu (Công ty Châu Á TBD), ông Lê Giáo – Tổng Giám đốc cũng cho biết: Sau khi phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Bình Thuận thụ lý vụ án được gần một tháng, đã và đang tiến hành lấy lời khai các bên liên quan thì bất ngờ mới đây hồ sơ vụ án lại được chuyển sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ để tiếp tục thụ lý giải quyết.
Theo đó, chiều 13/8, đại diện phía Công ty Châu Á TBD đã có buổi làm việc đầu tiên với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ từ khi nhận được giấy chuyển của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Buổi làm việc kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa đề cập đến nội dung chính của đơn tố cáo, hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của "ông trùm Thanh long Hoàng Hậu" vẫn chưa được làm rõ" - phía Công ty Châu Á TBD cho biết thêm.
|
Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công an kiểm tra, xem xét, giải quyết |
"Nội dung chính của vụ việc là hành vi lừa đảo bán rừng không phải của mình để chiếm đoạt tài sản của Công ty Châu Á TBD tại sao vẫn chưa đề cập trong khi Cơ quan điều tra vẫn mãi “sa đà” vào các chi tiết của phương tiện gây án là hợp đồng mua bán. Cơ quan điều tra đã tập trung quá nhiều vào việc mua bán dân sự thông thường, dẫu biết rằng người bán vốn dĩ hoàn toàn không có gì để bán nhưng vẫn bán khống để chiếm giữ hàng tỷ đồng của nạn nhân! Sau nhiều lần đề nghị được đi thẳng vào nội dung chính của đơn tố cáo, điều tra viên cũng đã hứa sẽ làm việc về nội dung này trong buổi làm việc tiếp theo, nhưng cụ thể vào ngày nào? Tháng nào? vẫn chưa được biết cụ thể", ông Giáo cho biết thêm.
Như báo BVPL đã phản ánh, đầu năm 2013, ông Hiệp tự nhận mình là chủ sở hữu để lừa bán 500 ha rừng trồng cây keo lá tràm 5 - 6 năm tuổi tại các xã Hàm Kiệm, Hàm Cường (huyện Hàm Thuận Nam) và Tiến Thành (TP.Phan Thiết) rồi lừa bán cho Công ty CP XD và GT Châu Á Thái Bình Dương - TP.Vũng Tàu với giá 32,5 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, hai bên tiến hành đo đạc và lập bản đồ xác định lại diện tích thì thực tế chỉ có 427,123 ha. Để tiếp tục làm tin, ông Trần Ngọc Hiệp đã ký nhận vào bản đồ tự vẽ là chủ sở hữu 249,810 ha tại xã Hàm Cường, 148,643 ha tại xã Hàm Kiệm và xã Tiến Thành là 28,670 ha.
Theo đó, giá tiền mua được xác định lại chưa đến 27,8 tỷ đồng và Công ty Châu Á TBD đã tiến hành chuyển 8 tỷ đồng cho ông Hiệp. Sau khi nhận được tiền, ông Hiệp giao cho Cty Châu Á TBD "Đơn xin khai thác rừng cây trồng" có xác nhận diện tích rừng của Chủ tịch UBND xã Hàm Kiệm do ông Hiệp đứng đơn. Thế nhưng, mới khai thác được 50 ha (trị giá 3,25 tỷ đồng) thì gặp ngay sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương. Sau đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Hàm Thuận Nam lập biên bản phạt hành chính, buộc ngưng khai thác để bổ sung hồ sơ pháp lý quyền sở hữu hợp pháp của người bán.
Không tờ giấy lận lưng, ông Hiệp bắt đầu tìm cách tránh né từ đó cho đến nay dù Công ty Châu Á TBD đã tìm đủ mọi cách để liên lạc, thậm chí nhiều lần gửi công văn yêu cầu hợp tác để cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết vụ việc. Việc tránh né của ông Hiệp kéo dài hơn 2 năm, cho đến khi ba người dân là chủ sở hữu một phần diện tích tràm mà ông Hiệp đã bán trước đây cho Cty Châu Á TBD xuất hiện và có "Đơn xin khai thác rừng trồng". Cả 3 hộ này đều trưng ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và "Cam đoan diện tích khai thác nêu trên là nguồn vốn tự có..." nên đã được UBND xã Hàm Cường xác nhận và Trạm Kiểm lâm Hàm Thuận Nam chấp thuận cho khai thác. Trước thông tin này, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã có ý kiến chỉ đạo, giao Hạt kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND xã Hàm Kiệm, Hàm Cường kiểm tra việc khai thác cây tràm tại khu vực xã Hàm Cường, Hàm Kiệm. Trường hợp không có giấy tờ khai thác đề nghị lập biên bản xử lý...
Sau khi, Công ty Châu Á TBD gửi đơn tố cáo ông Hiệp đến Công an tỉnh Bình Thuận, trong khi Công an tỉnh Bình Thuận đang củng cố hồ sơ thì bất ngờ ngày 28/7/2015, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cường ký xác nhận ông Hiệp là chủ sở hữu khu rừng tràm mà cách đó chưa đầy nửa tháng cũng chính ông đã ký xác nhận chủ sở hữu cho ba người dân khác. Trả lời trước báo giới, ngày 30/7/2005, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cường Đỗ Hữu Trí "đổ tội" cho cấp dưới tham mưu: “Nội dung xác nhận vào đơn của ông Hiệp là do cán bộ Địa chính ghi sẵn”.
Liên quan đến vụ án, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi Bộ Công an kiểm tra, xem xét, giải quyết và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm PVPL